Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác song phương trồng lúa tại Mozambique

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/9, Phó Chủ tịch UBND Trần Xuân Việt đã có buổi làm việc với các đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Bộ Tài chính và các ngành liên quan, cho ý kiến, thực hiện Chương trình hợp tác song phương trồng lúa tại Cộng hòa (CH) Mozambique (châu Phi).

Theo báo cáo của TP, thực hiện Hiệp định hợp tác giữa khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – CH  Mozambique, trồng lúa giai đoạn I (2010 - 2012) giữa TP Hà Nội, CH Mozambique và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trên diện tích 20ha, kết quả cho năng suất lúa gấp 3 - 4/vụ lần so với sản xuất truyền thống trước đó nước bạn làm; Đào tạo gần 500 cán bộ khuyến nông cho Mozambique….

Theo Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ NN & PTNT) Tô Việt Châu, thành công này của TP Hà Nội, được Đảng, Nhà nước ta đánh giá rất cao về ý nghĩa chính trị, ngoại giao, nâng cao vị thế đất nước… với các quốc gia Châu Phi khác. Đối với Mozambique, từ phía chính phủ đến người dân  đều có nguyện vọng thiết tha Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là TP Hà Nội giúp đỡ họ nhân rộng mô hình trồng lúa này giai đoạn II (2015 - 2018), với  quy mô khoảng 300ha. Dự kiến, tổng kinh phí dự án ước 4 triệu USD, trong đó Việt Nam tài trợ 3 triệu USD, còn 1 triệu USD vốn đối ứng của Mozambique.

Phó Chủ tịch TP Trần Xuân Việt đánh giá cao sự phối hợp giữa các bộ, ngành TƯ với các cấp các ngành TP, nhất là các chuyên gia của Sở NN&PTNT, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giúp đỡ chính phủ Mozambique thực hiện thành công DA để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân sở tại.

Phó Chủ tịch khẳng định, việc triển khai DA giai đoạn II là cần thiết theo chỉ đạo của TƯ và sự hợp tác giữa hai nước. Trên tinh thần đó, đồng chí mong muốn các bộ, ngành TƯ quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách cho TP để vận dụng thực hiện tiếp DA này; Đề nghị thành lập đoàn công tác bao gồm các chuyên gia lĩnh vực trồng lúa, thủy lợi, lập dự án… để khảo sát, thực địa tại Mozambique; đồng thời phân kỳ thực hiện, bước đầu triển khai tiếp từ 80 – 100ha, với phương thức sản xuất kết hợp hiện đại với sản xuất truyền thống để phù hợp với nhận thức, tiếp thu của cán bộ và nông dân địa phương, bảo đảm khả thi, tiến tới để người dân Mozambique làm chủ quy trình sản xuất lúa Việt Nam. Trên cơ sở đó, lập DA, kế hoạch, báo cáo TP để trình Thành ủy và cấp có thẩm quyền của TƯ để triển khai DA này.