Hợp tác vì lợi ích chung

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 19/11, tại Phnompenh, Campuchia đã diễn ra một loạt các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các Đối tác nhằm bàn thảo và tìm ra biện pháp để tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, nhất là việc hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015.

Hợp tác vì lợi ích chung - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 15.Ảnh:  TTXVN  
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị và có các phát biểu quan trọng.Bất chấp tình hình kinh tế u ám tại các quốc gia châu Âu đang có tác động mạnh tới các quốc gia ASEAN, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của các quốc gia trong Hiệp hội là dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi nhanh chóng của ASEAN. Trong bối cảnh đó, việc một loạt các Hội nghị như Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 15; Hội nghị ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 15; Cấp cao kỷ niệm ASEAN+3 (APT) gồm ASEAN+Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; Cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 10; Hội nghị ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15; Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 4; đối thoại toàn cầu ASEAN (AGD) diễn ra trong ngày 19/11 đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự lớn mạnh của ASEAN và sự coi trọng của các đối tác đối với khu vực Đông Nam Á. 
 
Trên thực tế, sự có mặt của Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7 ngay sau khi vừa tái đăc cử cho thấy sự coi trọng vai trò, vị thế của ASEAN trong chiến lược tăng cường sự hiện diện tại châu Á của Mỹ. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng tuyên bố quan hệ đối tác của Ấn Độ với các nước ASEAN là một thành tố quan trọng trong chính sách “hướng Đông” của New Delhi. Thành công tại những Hội nghị này đã góp phần bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, đi đôi với tăng cường quan hệ hợp tác với các Đối tác vì các mục tiêu chung của khu vực; thúc đẩy cơ chế phối hợp trong ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác để ứng phó với các thách thức ở khu vực. 
 
Phát biểu tại các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những ưu tiên chung của khu vực, đẩy mạnh nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực; đồng thời đề xuất nhiều biện pháp thiết thực nhằm triển khai hiệu quả và đúng hạn các chương trình, dự án hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác về các mặt như kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, ứng phó với các thách thức đang nổi lên và các vấn đề an ninh phi truyền thống… 
 
Vấn đề về Biển Đông cũng thu hút được sự chú ý đặc biệt từ các Đối tác của ASEAN như là một mối quan tâm chung của quốc tế. Phát biểu trong một cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Đông Á, ngày 19/11, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda kêu gọi lãnh đạo các nước Đông Nam Á cần sớm ban hành một bộ Luật Biển nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông một cách hòa bình. Trước đó, ASEAN đã quyết định đề nghị Trung Quốc khởi động các cuộc đàm phán chính thức "trong thời gian sớm nhất có thể" về việc xây dựng một hiệp ước không xâm lược và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để ngăn chặn những xung đột lớn có thể xảy ra tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. 
 
Đặc biệt, tại cuộc gặp kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung của Hội nghị ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15, kỷ niệm 10 năm DOC gồm 9 điểm. Tuyên bố này một lần nữa tái khẳng định nỗ lực tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau trong suốt một thập kỷ qua và thể hiện sự tin tưởng giữa các bên trong việc thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và hợp tác tại Biển Đông.
 
 
Ngày 19/11, bên lề Hội nghị ASEAN+3 tại Phnom Penh, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Malaysia Najib Razak,... nhằm thảo luận các vấn đề song phương cùng quan tâm. Tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc, ngoài việc nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, tăng trưởng xanh và hợp tác viện trợ phát triển, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ sớm kết thúc các cuộc đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA).