Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HOSE lại lỗi, nhà đầu tư kêu bị bịt mắt, dự báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính thành sự thật

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Phiên 10/1, các chỉ số chứng khoán tiếp tục lao dốc, hàng loạt mã đổ đèo. Bảng giá bị đơ tại nhiều thời điểm, nhà đầu tư bức xúc mua bán trong trạng thái bị “bịt mắt”.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước đó, ngay trong phiên đánh cồng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã liên lạc với Chủ tịch FPT để triển khai gói thầu mở rộng giải quyết nghẽn lệnh.

Áp lực bán mạnh vào cuối phiên đã khiến hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ lao dốc đáng chú ý nhất phải kể đến nhóm bất động sản. Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản tăng 'nóng' đợt vừa qua như LDG, CII, CEO... đều bị bán xuống mức giá sàn. Trong số này, BCM và LDG giảm từ giá trần về giá sàn. Bên cạnh đó, NLG giảm 6,8%, FLC giảm 6,2% và khớp lệnh đến hơn 135 triệu cổ phiếu. DXG giảm 5,6%, HDG giảm 5,2%.

Tuy nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu bất động sản đều lao dốc, ngược lại, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm ngành này vẫn bứt phá như PLA, SGR, QCG, VPH, DTA đều được kéo lên mức giá trần.

VN-Index giảm 24,77 điểm (-1,62%) xuống 1.503,71 điểm. HNX-Index giảm 10,95 điểm (-2,22%) xuống 482,89 điểm. UPCoM-Index giảm 1,3 điểm (1,12%) xuống 114,3 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức rất cao, tổng giá trị khớp lệnh đạt 47.345 tỷ đồng, tăng 33% so với phiên trước, trong đó giá trị khớp lệnh riêng trên HoSE tăng 35% lên mức 39.475 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 460 tỷ đồng ở sàn HoSE.

Trong phiên này, theo các nhà đầu tư, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) lại tiếp tục lỗi kết nối đến các công ty, bảng giá bị đơ không hiển thị. Nhiều nhà đầu tư bức xúc cho rằng, họ mua bán trong tình trạng bị bịt mắt, sàn đơ mà lệnh vẫn khớp. “Có ai chi tiền cho HOSE đơ?”- một nhà đầu tư đặt câu hỏi.

Trước đó, phát biểu tại Lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên năm 2022, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), cũng như đã liên lạc với Chủ tịch FPT để triển khai gói thầu mở rộng.

Chiến dịch 100 ngày xử lý nghẽn lệnh sàn HoSE đã kịp thời giải quyết thành công vấn đề nghẽn lệnh, nâng giới hạn xử lý lệnh tăng lên 3 triệu lệnh. Hiện số lệnh giao dịch đã tăng lên 2,5 triệu lệnh. “Chúng ta cần nhanh chóng triển khai gói thầu để mở rộng và luôn luôn đón đầu, không để hệ thống giao dịch bị nghẽn mạch, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thị trường chứng khoán”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.