HS, SV nghề khối kỹ thuật – công nghệ tỉ lệ việc làm trên 80%

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh viên cao đẳng nghề (SV CĐN) sau khi tốt nghiệp đi làm có lương khởi điểm 4,2 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp nghề (HS TCN) 3,6 triệu đồng/tháng.

Thông tin trên được ông Phạm Đức Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Dạy nghề cho biết tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, hôm nay 4/4.

Báo cáo của 63 sở LĐTB&XH, tính trung bình, năm 2016 tỉ lệ HS, SV tốt nghiệp trình độ CĐN, TCN có việc làm đạt trên 70%.
 Năm 2016, trên 88% sinh viên Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội có việc làm ngay khi tốt nghiệp.
Các nghề thuộc khối kỹ thuật – công nghệ có số lượng HS, SV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỉ lệ cao. Cụ thể, nghề Hàn 92%, Điện công nghiệp 88%, Cắt gọt kim loại 86%, Công nghệ ô tô 82%, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí 80%.

Những trường CĐN và TCN có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với DN, tỉ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay luôn ở mức cao. Đơn cử là Trường CĐN Kỹ thuật – Công nghệ, Trường CĐN Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Trường CĐN Lilama 2, Trường CĐN số 1 có 100% HS, SV tốt nghiệp có việc làm.

Trường CĐN Du lịch Vũng Tàu có tỉ lệ việc làm đạt 98,5%, Trường CĐN Việt Nam – Singapore 98%, Trường CĐN Thương mại – Du lịch Nghệ An 96,4%...

Mức lương khởi điểm bình quân của SV CĐN sau khi tốt nghiệp đạt 4,2 triệu đồng/tháng, HS TCN là 3,6 triệu đồng/tháng.

Nhiều nghề có mức lương cao như Điều khiển phương tiện thuỷ nội địa 7 triệu đồng/tháng, Vận hành cần cẩu trục 4 – 7 triệu đồng/tháng.

Tuy rằng HS, SV học nghề ra trường có tỉ lệ việc làm cao nhưng hoạt động tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những khó khăn. Công tác phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề chưa được thực hiện tốt theo yêu cầu của Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị. Hiện nay HS tốt nghiệp THCS đi học nghề mới đạt 5 – 7% trong khi mục tiêu đạt ra là 30%.

Tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn khá nặng nề, nhiều phụ huynh muốn con em tiếp tục học lên THPT và ĐH mặc dù lực học yếu kém.
Trong khi công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông chưa được quan tâm thì chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thấp. Một số cơ sở có năng lực đào tạo còn hạn chế, cơ sở vật chất và trạng thiết bị thực hành chưa được chú trọng đầu tư. Nhiều DN chưa phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động.

TS Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề: Học cao đẳng nghề, ít học sinh thất nghiệp

Bản tin thị trường lao động của Bộ LĐTB&XH cho thấy người học trình độ càng cao thì thất nghiệp càng nhiều. Nhất là đối với cấp trình độ CĐ có thời lượng lý thuyết nhiều, thực hành ít đồng nghĩa với thất nghiệp nhiều. Nhưng, với trình độ CĐ nghề, rất ít SV ra trường không có việc làm. Đặc biệt là trường CĐ nghề chất lượng cao, đào tạo những ngành trọng điểm hầu như không có SV thất nghiệp. Các trường TC chuyên nghiệp thực hành ít cũng làm hạn chế trong tìm việc làm của HS.

Nhưng, từ ngày 1/7/2016 đến nay, chúng ta bắt đầu khởi động giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ thực hành phải ít nhất từ 50% trở lên, chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, còn kỹ thuật công nghệ nhiều hơn nữa. Do đó khi chương trình đào tạo nghề có tỉ lệ thực hành cao hơn sẽ giúp người học ra trường có cơ hội tìm việc tốt hơn.