HSC: TPP giúp tăng FDI vào Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên nhân bắt nguồn từ việc các nước Bắc Á và ASEAN có thể chuyển một phần đáng từ chuỗi cung ứng tới Việt Nam để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn.

Nhận định trên được Công ty cổ phần chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) trong báo cáo đánh giá về tác động của Hiệp định TPP tới Việt Nam. Theo đó, Việt Nam tuy là quốc gia kém phát triển nhất trong TPP nhưng sẽ có những phát triển nhanh trong thập kỷ tới khi đứng trước nhiều thuận lợi do Hiệp định này mang lại.

Đáng chú ý nhất là nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh khi các nước Bắc Á và ASEAN có thể xem xét chuyển một phần đáng kể chuỗi cung ứng ngành dọc ở một số ngành nhất định để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn. Điều này bắt nguồn từ những quy định trong TPP về nguyên tắc xuất xứ.
Dệt may là một trong những ngành thu hút FDI chính sau TPP
Dệt may là một trong những ngành thu hút FDI chính sau TPP
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, quy tắc trên cũng yêu cầu phải tăng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào nội địa để được hưởng ưu đãi giảm thuế. Điều này có thể sẽ tạo một số khó khăn nhưng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển theo chiều sâu của ngành sản xuất Việt Nam thông qua tạo ra các chuỗi cung cấp tổng hợp ngành dọc ở nhiều ngành, HSC nhận định.

Theo dự báo của HSC, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 1% mỗi năm với tác động trực tiếp kể từ năm 2017 trở đi. Sẽ có khoảng 18.000-20.000 sản phẩm sẽ được giảm thuế trong thập kỷ tới dưới tác động trực tiếp của TPP. Một số sản phẩm trong số này sẽ được giảm thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực, một số khác sẽ được giảm thuế theo lộ trình trên cơ sở đổi lại những cam kết như tuân thủ quy tắc nước xuất xứ hoặc tiếp cận thị trường nhiều hơn dưới hình thức tăng hạn ngạch.

Ngoài ra, TPP cũng có tác động tích cực tới những ngành nghề khác như dệt may, thủy sản, sản phẩm thép - gỗ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng - logistics sẽ có ảnh hưởng trong thời gian dài. Chính việc FDI tăng sẽ giúp tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng chẳng hạn như dịch vụ tiện ích; nước; đường xá… Cơ chế đầu tư công mới sẽ tạo ra làn sóng đầu tư tư nhân vào các dự án BOT và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn.

Tuy nhiên cũng có một số ngành chịu tác động tiêu cực kéo dài như dược phẩm. Ngành này sẽ phải giảm thuế từ mức hiện tại khoảng 2,5% về 0%. Rào cản thuế này là thấp nên việc bỏ thuế cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, điều này khẳng định thêm tăng xu hướng cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó sự cạnh tranh sẽ thiên hơn về các doanh nghiệp sản xuất thuốc gốc hơn, HSC nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần