HUD khẳng định không chây ỳ việc lập ban quản trị nhà chung cư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/8, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã có cuộc trao đổi với...

Kinhtedothi - Ngày 13/8, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số nội dung liên quan đến việc thành lập ban quản trị, bàn giao và vận hành chung cư tại Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) và Linh Đàm (Hoàng Mai).

Chánh văn phòng Tổng Công ty HUD Cầm Anh Tuấn cho biết, đơn vị đã đầu tư xây dựng 126 nhà chung cư, dự kiến sẽ thành lập 38 ban quản trị. Trong đó, còn 21 ban quản trị chưa được thành lập. HUD sẽ hoàn tất việc thành lập các ban quản trị trong năm 2014. Cụ thể với Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) (dự kiến thành lập 9 ban quản trị nhưng mới lập được 3 ban quản trị), sẽ tiến hành họp trù bị trong tháng 8 và 9; sau một tháng, các ban quản trị chính thức đi vào hoạt động.

 
Tổng Công ty HUD khẳng định trong năm 2014 sẽ hoàn tất việc thành lập ban quản trị các tòa nhà chung cư.		Ảnh: Phạm Hùng
Tổng Công ty HUD khẳng định trong năm 2014 sẽ hoàn tất việc thành lập ban quản trị các tòa nhà chung cư. Ảnh: Phạm Hùng
Trước thông tin cho rằng, HUD trốn tránh việc thành lập ban quản trị để giữ lại Quỹ Bảo trì chung cư (theo quy định là 2% giá bán nhà trước thuế), ông Cầm Anh Tuấn khẳng định, đơn vị không trốn tránh việc thành lập các ban quản trị. Sự chậm trễ trong thành lập ban quản trị do nhiều nguyên nhân. Để thành lập ban quản trị nhà chung cư cần có kinh phí kinh phí này phải được Hội đồng Thành viên phê duyệt. Theo tạm tính của HUD, thành lập một ban quản trị cần kinh phí khoảng 10 triệu đồng. Hội đồng Thành viên Tổng Công ty đã phê duyệt khoản chi này để tiến hành thành lập các ban quản trị trong năm 2014. Một nguyên nhân quan trọng khác là tại một số chung cư, ban quản trị lâm thời chưa đồng thuận với việc thành lập ban quản trị chính thức do chưa có tiếng nói chung về vấn đề sở hữu chung riêng tại các diện tích tầng 1 và khoản kinh phí bảo trì. Ông Tuấn phân tích, HUD là Tổng Công ty 100% vốn Nhà nước, do vậy, doanh nghiệp phải trích lập riêng kinh phí bảo trì của các chung cư và không được sử dụng vào các mục đích khác, vì vậy không có lý do gì để chây ỳ, trì hoãn thành lập ban quản trị. Hơn nữa, mỗi một nhà chung cư có hồ sơ với số lượng rất lớn nên việc sao y, photo giấy tờ cũng tốn rất nhiều thời gian.

Về kinh phí bảo trì, đại diện HUD cho biết, việc kinh doanh nhà ở của Tổng Công ty được chia làm nhiều giai đoạn khác nhau: Giai đoạn trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực (ngày 1/7/2006), ở giai đoạn này, trong hợp đồng mua bán đã ký không quy định giá bán bao gồm kinh phí bảo trì công trình và HUD chưa thực hiện thu tiền bảo trì của khách hàng. Giai đoạn khi Luật Nhà ở có hiệu lực, HUD thực hiện trích theo quy định của pháp luật và sẽ bàn giao theo quy định hiện hành. Ngoài ra, còn có giai đoạn giao thời. Tổng Công ty đang thống kê quỹ bảo trì để tiến hành bàn giao và làm rõ về kinh phí này đối với từng khách hàng, từng căn hộ.

Đối với sở hữu diện tích ki ốt tầng 1, HUD khẳng định đây là sở hữu của Tổng Công ty. Điều này đã được thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ và kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng, phán quyết của Tòa án Nhân dân quận Hoàng Mai, Đoàn thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội, cũng đã khẳng định điều này. Cũng tại cuộc trao đổi, ông Tuấn cho biết, với mức phí quản lý, vận hành tại các chung cư như hiện nay chủ đầu tư đang thu, HUD không những không có lãi mà còn phải bù đắp thêm bằng lợi nhuận của doanh nghiệp. Đơn cử, tại Khu đô thị Việt Hưng, hiện vẫn đang thu với mức 2.000 - 2.500 đồng/m2/tháng. Tổng Công ty tin rằng sau khi bàn giao các ban quản trị quản lý mức thu này sẽ tăng lên bởi có nhiều khoản chi sẽ phải tính đến như lương của ban quản trị; lợi nhuận của đơn vị vận hành, quản lý…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần