Hungary đóng cửa biên giới, người di cư tràn sang Croatia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh sát Hungary đã sử dụng hơi cay và vòi rồng chặn người di cư tại biên giới nước này với Serbia sau khi một nhóm người tị nạn phá vỡ hàng rào trong nỗ lực tiến vào châu Âu.

Sau khi lực lượng an ninh Hungary chặn các lối vào cuối cùng tại biên giới, đồng nghĩa với việc chính thức đóng cửa tuyến đường di cư phổ biến đến Tây Âu. Động thái này khiến hàng ngàn người di cư tuyệt vọng và làm gia tăng căng thẳng. Một số người di cư đã yêu cầu chính quyền Hungary phải mở cửa khẩu trong 2 giờ, nếu không họ sẽ tìm cách vượt qua hàng rào.
Người di cư bị cảnh sát Hungary dùng vòi rồng giải tán.
Người di cư bị cảnh sát Hungary dùng vòi rồng giải tán.
Lực lượng an ninh Hungary phải sử dụng xe bọc thép cùng vòi rồng và hơi cay để giải tán người di cư. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục tìm cách phá hỏng hàng rào, ném chai lọ và đá vào lực lượng cảnh sát Hungary.
Sau quyết định đóng cửa biên giới của Hungary, đám đông người tị nạn ở Serbia đang hướng về phía tây Croatia như là một lộ trình thay thế vào Tây Âu.
Cảnh sát Croatia đón người di cư bằng xe của mình.
Cảnh sát Croatia đón người di cư bằng xe của mình.
Các động thái từ giới chức Croatia trái ngược hoàn toàn với những gì người di cư phải đối mặt tại Hungary. Cơ quan chức năng Croatia cho biết họ đang tạm giữ 373 người nước ngoài, trong đó có 75 phụ nữ và 73 trẻ em, vì vượt biên trái phép vào nước này từ phía đông hôm thứ Tư. Những người này đã được đưa đến một trung tâm đăng ký thủ tục tị nạn bên ngoài Zagreb để nhận được sự điều trị và hỗ trợ. Bộ trưởng Nội vụ Ranko Ostojic cam kết điều trị nhân đạo cho những người tị nạn, trong khi Thủ tướng nước này, ông Zoran Milanovic cho biết quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn.
Ông Milanovic cũng đưa ra những lời chỉ trích về chính sách dựng hàng rào dây thép gai của chính phủ Hungary là nguy hiểm. "Hàng rào dây thép gai ở châu Âu trong thế kỷ XXI không phải là câu trả lời mà là một mối đe dọa", Thủ tướng Croatia nhấn mạnh.

Mặc dù nhận được sự đón tiếp ấm áp hơn bởi giới chức Croatia, người di cư có thể phải đối mặt với mối đe dọa khác là những quả mìn gần khu vực người di cư tập trung. Trung tâm hành động bom mìn Croatia ước tính khoảng 51.000 quả mìn vẫn đang bị chôn vùi sau tàn dư của cuộc chiến Balkan. Tuy nhiên, chính phủ Croatia trấn an rằng các bãi mìn được đánh dấu với các dấu hiệu rõ ràng.