Hungary đóng cửa biên giới với Croatia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Hungary đã đóng cửa biên giới nước này với Croatia trong một nỗ lực ngăn dòng di dân băng qua nước họ trên đường đến Tây Âu.

Trước thông tin này, chính phủ Croatia cho hay, nước này sẽ bắt đầu hướng người di cư đến Slovenia thay cho Hungary.

Hungary là một trong những địa điểm trung chuyển chính cho người di cư, mà đa phần muốn đến Áo và Đức.

Hungary tuyên bố đóng cửa biên giới nước này với Croatia, khu vực gần ngôi làng Zakany, hôm thứ Sáu (16/10) sau khi các lãnh đạo EU đã không đồng ý kế hoạch của Hungary đề nghị gửi quân đội ngăn người di cư đến Hy Lạp.
Hungary đóng cửa biên giới với Croatia - Ảnh 1
Vào lúc nửa đêm thứ Sáu 16/10, giờ địa phương, biên giới Hungary - Croatia được bao bọc thêm một hàng rào thép gai. Một nhóm vài trăm người di cư đến trước thời điểm này vài phút là những người cuối cùng được phép đi qua biên giới.

"Chúng tôi biết rằng đây không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng là giải pháp khả dĩ nhất", Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto tuyên bố. Những người di cư vẫn có thể xin tỵ nạn tại Hungary ở hai khu quá cảnh biên giới, ông nói thêm.
Hungary đóng cửa biên giới với Croatia - Ảnh 2
Bên cạnh đó, động thái mong muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ của Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đem đến nỗ lự. Sáng thứ Sáu 16/10, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kế hoạch hành động chung về cuộc khủng hoảng di dân giữa quốc gia này và EU vẫn chưa hoàn tất. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích nặng nề phản ứng của châu Âu trước cuộc khủng hoảng di cư. Gần 600.000 người đã đến EU bằng đường biển trong năm nay, hầu hết đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà lãnh đạo EU nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này ngăn được dòng di dân, cũng như "thúc đẩy" đàm phán về việc gia nhập EU và cung cấp thêm viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay các quốc gia EU đang cân nhắc yêu cầu viện trợ 3 tỷ Euro (3,4 tỷ USD) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các nguồn tin từ EU cho hay, một số quốc gia tỏ ra thận trọng, không muốn đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ quá nhanh chóng. Trong số những nước này có Hy Lạp, CH Síp và Pháp.