Pháp điển là việc cơ quan Nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành (trừ Hiến pháp) để xây dựng Bộ pháp điển. Tham dự Hội nghị các đại biểu đã được nghe những nội dung cơ bản của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Nghị định 63/2013/NĐ-CP (ngày 27/6/2013), Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP và Thông tư số 13/2014/TT-BTP. Về thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển hóa, bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo, quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình. Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của mình. Đối với Văn phòng Quốc hội thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành điều chỉnh những vấn đề không thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của cơ quan nhà nước. Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước ban hành không thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của cơ quan Nhà nước. Trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản không đồng thời là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản đó hoặc có sự chuyển giao chức năng, nhiệm vụ từ cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sang cơ quan khác thì các cơ quan này phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất cơ quan thực hiện pháp điển theo nguyên tắc được quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh Pháp điển. Cấu trúc của Bộ Pháp điển có 45 chủ đề; trong đó có an ninh quốc gia, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, bổ trợ tư pháp… Quy trình thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được thực hiện theo các bước: lập Đề nghị xây dựng đề mục, xây dựng kế hoạch và phân công đơn vị thực hiện pháp điển; thực hiện pháp điển theo đề mục; thẩm định kết quả pháp điển theo đề mục; hoàn thiện, ký xác thực kết quả pháp điển theo đề mục và sắp xếp đề mục vào chủ đề; kiểm tra kết quả pháp điển theo đề mục; thông qua kết quả pháp điển theo chủ đề và sắp xếp vào Bộ Pháp điển; cập nhật quy phạm pháp luật mới, đề mục mới vào Bộ Pháp điển…