Hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng: Thúc đẩy hình thành thị trường carbon

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đối mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon.

Trong đó, các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng giải pháp sáng tạo, trực tiếp định giá carbon được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi trong giảm khí phát thải.

Lợi ích kép

Theo thống kê công bố năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), các cơ chế định giá carbon đang được áp dụng tại 46 quốc gia và 36 địa phương, chiếm 11,83 tỷ tấn CO2 (khoảng 23,11% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu). Việc định giá carbon sẽ khiến cho các hoạt động phát thải khí nhà kính trở nên đắt đỏ hơn. Thông qua việc áp chi phí cho mỗi tấn CO2 tương đương thải ra khí quyển mà các DN phải tự cân nhắc khi có hoạt động tổn hại tới môi trường, thúc đẩy các công nghệ sạch hơn và hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương.

Việc định giá carbon khiến cho các hoạt động phát thải khí nhà kính đắt đỏ hơn. Ảnh Thanh Hải
Việc định giá carbon khiến cho các hoạt động phát thải khí nhà kính đắt đỏ hơn. Ảnh Thanh Hải

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hiện nay, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung với các quốc gia trên thế giới, buộc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyên gia kinh tế, thạc sĩ Tạ Việt Anh - Trường Đại học Kinh tế và Kinh doanh phân tích, hiểu một cách đơn giản, chương trình mua bán khí thải là mô hình giới hạn lượng khí thải được phép phát thải, trong hạn ngạch quy định. Thị trường này cho phép các bên phát thải được mua hoặc bán khối lượng phát thải nhất định. Khi lượng phát thải được tính là một loại hàng hóa, áp dụng mức trần phát thải thì DN sẽ có cân đối cắt giảm khối lượng khí nhà kính tạo ra xuống mức càng thấp càng tốt để tránh phải trả chi phí lớn. Nếu lượng phát thải trong hạn mức còn dư thừa, DN còn có thể bán để thu về lợi ích nên đây là động lực rất lớn.

Như vậy, nếu một thị trường mua bán hạn ngạch carbon có thể hoạt động hiệu quả, bài toán giảm phát thải có thêm một lời giải hữu hiệu bằng chính sự tác động trực tiếp tới nhóm DN, thúc đẩy DN quyết liệt hơn trong đổi mới sáng tạo, sản xuất xanh. Hiện nay, Việt Nam đã gián tiếp đánh thuế carbon qua thuế bảo vệ môi trường đối với DN sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, mức thuế này chưa thực sự phản ánh bản chất của việc định giá carbon nếu tính trên đơn vị khí nhà kính khi thuế suất cho xăng, dầu cao hơn nhiều so với than. Đứng trước những yêu cầu cấp bách nêu trên, kế hoạch "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" đang được Bộ TN&MT nỗ lực xây dựng và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ bắt đầu thí điểm, năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Giải pháp căn cơ

Để phát triển thị trường carbon, theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, việc đầu tiên là cần hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này. Theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thành lập thị trường carbon ở Việt Nam, do đó, cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ, để chuẩn bị đến năm 2025 sàn giao dịch tín chỉ carbon tiến hành vận hành thí điểm.

Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc các bên liên quan, chủ động hỗ trợ DN trong việc nâng cao nhận thức về thị trường carbon, kết nối DN... Và đặc biệt là không thể thiếu sự vào cuộc của chính quyền, với vai trò xây dựng cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ về hành lang pháp lý, hạ tầng sản xuất để DN có cơ hội tham gia vào thị trường carbon một cách nhanh gọn nhất.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho biết, tham gia phản biện đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông đề nghị phải nghiên cứu để có được cách tính phù hợp với thế giới đối với khí phát thải. Để từ năm 2026, chúng ta có thể kiểm kê được lượng phát thải mỗi năm là bao nhiêu. Qua thống kê đó, chúng ta có nhận định rõ về các nguồn phát thải ví dụ như với nhiệt điện, giao thông... trong nội bộ quốc gia để có biện pháp giảm xuống dần trong các năm tiếp theo và bằng “0” vào năm 2050.

 

Với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả. Đồng thời tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

TS Trương An Hà - chuyên gia nghiên cứu thuộc Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần