Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đến phân khúc căn hộ cho thuê giá rẻ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong một thời gian ngắn, các hội thảo, tọa đàm liên tục được tổ chức, mục tiêu chính vẫn xoay quanh câu chuyện “làm sao để BĐS sống”. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cần phải giảm giá và hướng đến phân khúc cho thuê giá rẻ.

Phát triển căn hộ cho thuê giá rẻ

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng - Tổng giám đốc Cty Quản lý Vreit, thay vì chú trọng làm căn hộ để bán, nên có những chính sách phát triển phân khúc căn hộ cho thuê. Ông Hoàng nhận định rằng, nước ta vẫn còn quá nghèo, thu nhập thấp, nhưng ai cũng muốn có một căn nhà. Như vậy rõ ràng nhu cầu của người dân về nhà ở rất lớn, song để mua được nhà với giá hiện nay là vượt tầm. Giải pháp nhà bán rõ ràng chưa phù hợp thực tế, cần phát triển loại hình căn hộ cho thuê. Nhận xét về phân khúc nhà cho công nhân, sinh viên, ông Hoàng phân tích: “Tại sao lại chỉ xây nhà cho chuyên gia nước ngoài vào thuê với giá cao, nhưng lại không có nhà cho thuê cho sinh viên, công nhân, người nhập cư thuê khi mà nhu cầu ở phân khúc này là có thật và rất nhiều”.
 
Hướng đến phân khúc căn hộ cho thuê giá rẻ - Ảnh 1

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận xét, thị trường BĐS đang thiếu hai loại sản phẩm lớn là căn hộ cho thuê giá rẻ khoảng trên dưới 2 triệu/căn hộ đáp ứng nhu cầu công chức, thu nhập thấp đô thị và loại sản phẩm căn hộ bán trả góp dài hạn 20-30 năm. Đã đến lúc cần có chính sách khuyến khích phát triển mô hình này vì nếu làm tốt sẽ là một trong những giải pháp cứu thị trường BĐS. Luật sư Trương Thị Hòa, cho rằng, với vai trò chủ đầu tư lớn nhất, Nhà nước phải quan tâm đến nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, từ đó vực dậy thị trường BĐS. Một chuyên gia khác cho rằng, ngoài việc xây nhà ở xã hội để bán, Nhà nước có thể xây hàng loạt căn hộ để cho người nghèo, cán bộ công chức thuê với giá rẻ.

Cần điều tiết chính sách thuế

Nhiều DN cho rằng muốn người dân mua được nhà giá rẻ, phải có chính sách hỗ trợ khách hàng. Tâm lý của người dân đang sợ bỏ tiền vào BĐS là băn khoăn của nhiều DN. “Muốn thị trường “chạy” lại, phải tìm cho ra giải pháp để giảm giá BĐS, làm sao để người dân dám bỏ tiền ra mua nhà. Nhưng giảm thế nào để DN không chết, người dân mua được nhà giá rẻ và thị trường thanh khoản tốt… nói thì cần phải có sự tham gia điều tiết từ cấp Nhà nước”, một chuyên gia nói.

Theo TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chính sách công - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - hoạt động đầu tư và kinh doanh BĐS thời gian qua cần được tái cấu trúc lại ngay. “Kinh nghiệm thành công ở thế giới cho thấy, khi xảy ra khủng hoảng, Nhà nước dùng nguồn lực như: thuế, Cty tài chính địa phương mua lại dự án với giá thấp hơn, giải quyết khó khăn cho DN, sau đó đấu giá bán lại. Giải pháp này vừa cứu DN vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, TS Thành phân tích. Ngoài ra, tất cả các quốc gia muốn phát triển thị trường BĐS đều bắt nguồn từ chính sách thuế. Cần có chính sách phát triển, đầu tư hạ tầng, phục vụ lại cho BĐS.

Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc Sở QH-KT TP.HCM nêu kinh nghiệm, ở Singapore họ quản lý rất tốt khi thành lập hẳn một ban công tác của Chính phủ về nhà ở. 6 tháng một lần Ban này họp để tháo gỡ những vướng mắc. Đồng thời, họ đánh giá, rà soát nhu cầu của thị trường để nếu thiếu quỹ nhà sẽ có phương án “cứu trợ” ngay bằng cách bung quỹ đất ra để xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân. “Họ kiểm soát rất tốt cung - cầu nên ngay cả khủng hoảng cũng không có khủng hoảng thừa BĐS như ở nước ta. Còn khi dư thì cũng rất ít”, ông Hưng cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường BĐS cần phải xóa bỏ nghịch lý DN than phải bán hòa vốn, bán lỗ nhưng bình quân giá nhà lại cao hơn các nước trong khu vực (tại Indonesia khoảng 7.500 - 15.000 USD/căn, Malaysia khoảng 12.000 USD/căn…). Mà giá cao lại do những yếu tố cấu thành như tiền sử dụng đất, chi phí vốn khoảng 18%/năm, chi phí xây dựng nhà nước không quản lý được, chi phí do thủ tục hành chính kéo dài, thuế và phí quá cao.