Hướng đi bền vững cho nông nghiệp Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm triển khai Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (CLC) giai...

Kinhtedothi - Sau 5 năm triển khai Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao (CLC) giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng lúa tập trung cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Ngày 23/11, Sở NN&PTNN Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình này.

Hình thành nhiều vùng lúa chất lượng

Sau 5 năm triển khai, đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa CLC tại 86 HTX của 14 huyện ngoại thành với 26.091ha. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, chương trình sản xuất lúa hàng hóa CLC được đánh giá là chương trình có tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả cao, đứng đầu trong các chương trình, dự án, đề án trọng điểm của ngành nông nghiệp Thủ đô. Nếu như năm 2010, tỷ lệ lúa CLC trong cơ cấu giống của TP chỉ chiếm 10,4% thì đến năm 2015 đã tăng lên 32,5%. Trong đó, nhiều huyện có tỷ lệ lúa CLC chiếm tới 40% như Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Oai, Phúc Thọ. Không chỉ mở rộng về mặt diện tích, lúa hàng hóa CLC còn cho năng suất cao, bình quân đạt 5,4 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn 8,9 triệu đồng/ha so với canh tác các giống lúa thường theo phương pháp truyền thống.
Mô hình sản xuất lúa hàng hóa tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.
Mô hình sản xuất lúa hàng hóa tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.
Cũng trong 5 năm triển khai, chương trình đã có trên 150.000 lượt hộ nông dân tham gia. Điều quan trọng là thông qua chương trình đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất lúa. Đồng thời, thay đổi dần thói quen canh tác cũ để chuyển sang sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình lúa hàng hóa CLC còn tạo điều kiện thuận lợi cho đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất lúa tập trung quy mô lớn, góp phần giảm chi phí và sức lao động cho nông dân. Thành công của chương trình sản xuất lúa hàng hóa CLC còn góp phần quan trọng hoàn thiện tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Khẳng định thương hiệu

gạo Thủ đô

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, thành công lớn nhất của chương trình phát triển lúa hàng hóa CLC là xây dựng thành công 3 nhãn hiệu tập thể: “Gạo Bồ Nâu”, “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” và “Gạo thơm Bối Khê”. Nhờ đó, giá trị sản phẩm gạo tăng lên từ 1,2  - 1,3 lần so với trước đó. Đây cũng là những loại gạo CLC, an toàn bước đầu được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng. Với sự hỗ trợ kinh phí của TP lên tới 111 tỷ đồng, chương trình phát triển lúa hàng hóa CLC đã tạo động lực cho nhiều địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa đặc sản, hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến mô hình giống lúa nếp cái hoa vàng đặc sản tại xã Tân Hưng, xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn), xã Liên Hà (huyện Đông Anh), xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Những mô hình này đã mang lại cho người nông dân mức thu nhập cao hơn so với gieo cấy lúa thường từ 40 - 45 triệu đồng/ha/vụ. Theo ông Mỹ, việc quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn là tiền đề đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể, Hà Nội đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, mạ khay máy cấy đạt trên 20%, thu hoạch đạt gần 60% diện tích. Cùng với đó là tạo dựng mối liên kết 4 nhà (nhà khoa học, Nhà nước, DN, nông dân) trong thực hiện chuỗi giá trị sản xuất lúa, gạo hàng hóa. Đặc biệt là sự tham gia của các DN cung ứng giống, vật tư, phân bón và các DN thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm lúa hàng hóa CLC.

 Xác định khâu tiêu thụ sản phẩm là khâu quyết định của sản xuất lúa CLC, Sở NN&PTNT đã đưa những sản phẩm lúa, gạo CLC của các HTX tiêu biểu tham dự các hội chợ. Qua đó, từng bước giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận sản phẩm lúa, gạo được sản xuất theo hướng an toàn. Từ đó đã có nhiều cơ sở, DN đặt mua sản phẩm của các HTX. Tuy nhiên, ông Mỹ cũng thẳng thắn cho rằng, việc tiêu thụ lúa gạo CLC hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào tư thương tiêu thụ 60% sản lượng. Sản lượng bán thông qua các HTX chỉ chiếm 6%, số còn lại được tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương. Điều này chứng tỏ chuỗi sản xuất - tiêu thụ lúa, gạo chưa có sự liên kết chặt chẽ và là nguyên nhân dẫn đến giá bán sản phẩm lúa, gạo hàng hóa còn bấp bênh.

Cần thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ
Ngày 23/11, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình sản xuất lúa hàng hóa CLC TP Hà Nội (2011 – 2015). Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân; Sở NN&PTNT tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 21 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa CLC của TP Hà Nội.

Để chương trình sản xuất lúa hàng hóa CLC ngày càng phát triển, theo bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, TP cần có cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ đối với các DN, HTX về lãi suất vốn vay, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ đổi mới công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng... TP cần sớm thành lập Hiệp hội Gạo Hà Nội với sự tham gia của nhà quản lý, DN và các HTX. Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT cho rằng, Hà Nội cần sớm hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh căn cứ vào nhu cầu thực tế của các phân khúc thị trường (bình dân, trung lưu, thượng lưu, xuất khẩu...). Đồng thời, lựa chọn những giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon vào gieo cấy. Qua đó, hoạch định được từng nhóm giống lúa và từng loại gạo để tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Tại hội nghị tổng kết chương trình phát triển lúa hàng hóa CLC giai đoạn 2011 – 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt khẳng định, sản xuất lúa hàng hóa CLC là một trong 8 chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trọng điểm của TP. Chương trình góp phần phát triển các vùng sản xuất lúa ổn định và hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. "Với nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng lớn như hiện nay thì việc tiếp tục triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa CLC là vô cùng cần thiết. Mục tiêu trong 5 năm tới, Hà Nội phấn đấu đưa diện tích lúa chất lượng đạt 70%" - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. 

Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở NN&PTNT tập trung hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục tham gia chương trình. Đồng thời, chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ của TP về sản xuất nông nghiệp và chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trực thuộc Sở trong thực hiện chương trình. Đối với các huyện, cần dựa trên quy hoạch phát triển vùng lúa bền vững đã được TP phê duyệt để tiếp tục nhân rộng diện tích lúa chất lượng, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho phát triển các vùng lúa hàng hóa CLC. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các HTX chuyên về sản xuất các sản phẩm lúa, gạo đặc trưng cũng như mạng lưới liên kết HTX. Đối với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội - đơn vị thường trực thực hiện chương trình, trên cơ sở đánh giá điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng cần sớm xây dựng bản đồ cơ cấu giống. Đồng thời, chú trọng công tác khảo nghiệm giống và đặt chất lượng giống lên hàng đầu.
Tập trung xây dựng thêm một số thương hiệu gạo
Để nâng cao chất lượng cũng như khẳng định thương hiệu gạo Thủ đô, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng thêm một số thương hiệu gạo như: Nếp cái hoa vàng tại huyện Ba Vì; Gạo thơm tại Phú Xuyên, Ứng Hòa. Mặt khác, Sở sẽ tiếp tục liên kết với các DN giống cây trồng, các nhà khoa học nghiên cứu các giống lúa chất lượng phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng của TP nhằm hướng tới sản xuất các loại gạo vừa có chất lượng ngon, vừa cho giá trị kinh tế cao.
            Ông Chu Phú MỹGiám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Chương trình giúp người dân cải thiện cuộc sống
Tham gia chương trình phát triển lúa hàng hóa CLC của TP, HTX có cơ hội ký kết hợp đồng tiêu thụ gạo chất lượng với nhiều DN, đơn vị, nên đầu ra của sản phẩm gạo của địa phương hiện nay khá ổn định. Với giá bán gạo tẻ chất lượng 16.000 đồng/kg, gạo nếp cái hoa vàng 28.000 đồng/kg và rượu nếp cái hoa vàng 80.000 đồng/lít, người nông dân chúng tôi đã có thu nhập khá, cải thiện cuộc sống gia đình. Từ đó, chúng tôi thêm tin tưởng vào những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đúng đắn của TP.
 Ông Đỗ Văn KiênChủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai