Hướng đi mới cho bài toán môi trường

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi giải pháp chôn lấp đang dần lạc hậu thì phát triển điện rác được kỳ vọng sẽ là giải pháp tốt cho bài toán môi trường. Đáng nói, điện rác không chỉ giúp giải quyết một lượng rác thải lớn mà còn là nguồn năng lượng tái tạo không hề nhỏ.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Hùng Thập
Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: Hùng Thập

Một mũi tên trúng hai đích

Thông điệp “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” được nhắc đi, nhắc lại thời gian qua phần nào thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với sự ra đời của công nghệ đốt rác phát điện, mà hiện thân rõ ràng nhất là những nhà máy điện rác, cặp phạm trù "môi trường và kinh tế" hoàn toàn có thể song hành cùng một hướng. Chẳng còn phải đánh đổi hay hi sinh cái này để đạt được cái kia.

Việt Nam hiện đang nằm trong top 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất thế giới và cao hơn mức trung bình, do việc quản lý và xử lý rác còn hạn chế. Theo ước tính, trung bình mỗi người Việt thải ra 1,2kg/ngày (lượng rác thải mỗi năm của cả nước tương ứng gần 70.000 tấn rác thải). Hiện nay có tới trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng. Điều đáng nói, việc chôn lấp rác đang ngày càng khó khăn khi quỹ đất dùng cho việc này ngày một thu hẹp.

Trước thực trạng trên, việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện được nhận định không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn đóng góp quan trọng và tích cực về mặt môi trường. Sự kết hợp giữa khoa học công nghệ hiện đại và quy trình xử lý rác thải thân thiện với môi trường, tạo nên một giải pháp toàn diện cho vấn đề rác thải và sản xuất năng lượng bền vững.

Điều này giúp chúng ta giải quyết được vấn đề nhức nhối hiện nay, đó là các núi rác đang ngày càng cao, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Như vậy có thể thấy phát triển các nhà máy đốt rác phát điện là một giải pháp mang lại lợi ích kép, được kỳ vọng sẽ là hướng đi chiến lược “một mũi tên trúng hai đích”, vừa giúp giải quyết đồng thời hai vấn đề quan trọng đó là kinh tế và môi trường.

Theo thống kê của Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT, Việt Nam hiện có 15 nhà máy đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng, trong đó đã có 3 nhà máy chính thức phát điện. Có thể kể đến như nhà máy điện rác Sóc Sơn của Hà Nội ( do Cổng ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội vận hành), với công suất 1000 tấn/lò/ngày, một ngày nhà máy tiếp nhận 5.000 tấn rác, công suất phát điện là 90MW; dự án nhà máy điện rác Vĩnh Tân, Bình Thuận, với công suất 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30 MW; dự án nhà máy điện rác Phù Ninh, Phú Thọ, với công suất 500 tấn rác/ngày, công suất phát điện 25 MW; dự án nhà máy điện rác Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, với công suất mỗi nhà máy là 1.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 50 MW…

Trong số này, tính đến thời điểm hiện tại, Nhà máy điện rác Sóc Sơn của Hà Nội, do Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý xây dựng, vận hành được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai thế giới, sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến (Trung Quốc). Nhà máy có 16 cửa đổ rác, mỗi cửa phù hợp với từng loại xe đổ rác của Việt Nam. Từ khi vận hành đến nay, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,46 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do ùn ứ rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội và lượng nước rỉ rác phát sinh do phải chôn lấp.

Cần làm tốt khâu lựa chọn công nghệ, phân loại rác

Hiện nay, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi...

Hai địa phương đang đẩy mạnh việc phát triển điện rác nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi đây chính là hai đô thị lớn, có lượng rác thải phát sinh hàng ngày lớn nhất cả nước. Ngoài việc đẩy nhanh xây dựng các nhà máy điện rác, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang rất chú trọng tới cải tiến công nghệ xử lý rác thải. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100%.

Còn TP Hà Nội chỉ tính riêng năm 2024, đã đề ra mục tiêu phấn đấu phát triển thêm khoảng 67MW từ việc phát điện của tổ máy số 3 dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn và dự án Nhà máy Điện rác Seraphin vào vận hành, nâng tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của thành phố đạt khoảng 129,3MW. Trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án xử lý rác thải tại Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm... việc xây dựng các nhà máy rác xung quanh khu vực trung tâm sẽ góp phần giảm cự ly vận chuyển, giảm chi phí và giảm nguồn chi của ngân sách.

TP Hà Nội cũng đang nghiên cứu đề xuất sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch trong giáo dục, nông nghiệp, giao thông đô thị; sử dụng năng lượng gió phù hợp với khí hậu và xây dựng phương án quy hoạch hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông; rà soát các tiêu chuẩn liên quan đến việc lắp đặt hệ thống trạm sạc xe điện.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, môi trường hiện nay đang là vấn đề rất nóng, nhất là câu chuyện rác thải. “Muốn xử lý được vấn đề môi trường hiện nay thì một trong những khâu quan trọng nhất là giải được bài toán rác thải. Đây cũng là điều cần được lưu tâm khi phát triển điện rác” – PGS.TS Bùi Thị An nói. Theo PGS.TS Bùi Thị An, vấn đề quan trọng bây giờ là chọn công nghệ phù hợp, làm sao vừa đảm bảo xử lý được rác thải vừa không làm phát sinh các loại chất thải độc hại khác ra môi trường. Cần quán triệt lựa chọn công nghệ thích hợp không nên tham rẻ, đồng thời phải công khai, minh bạch trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các chuyên gia.

Ngoài vấn đề công nghệ, chuyên gia môi trường Bùi Thị An cũng cho rằng, để điện rác thật sự thành công, phát huy được hết hiệu quả như kỳ vọng thì một khâu rất quan trọng nữa chính là khâu phân loại rác. “Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, muốn xử lý rác hiệu quả, phải làm tốt được khâu phân loại rác, trung chuyển rác, tập kết rác rồi mới đến xử lý rác. Nếu phân loại rác không làm tốt thì xử lý rác khó thành” – PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.

 

Ngoài các nhà máy điện rác lớn, cả nước cũng có khoảng 1.712 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm 467 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 38 dây chuyền sản xuất phân compost. Còn lại có khoảng 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), phần lớn các bãi chôn lấp rác thải trên đều không hợp vệ sinh.