Xác định rõ thế mạnh địa phương để hợp tác hiệu quả
Hợp tác địa phương là kênh hợp tác đặc biệt, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ nhiều mặt Việt Nam và nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng chia sẻ tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ XXI sáng ngày 18/12.
Điểm lại hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, Đại sứ cho biết, kể từ khi được khởi xướng vào năm 1989 với việc thiết lập quan hệ đối tác giữa Hà Nội và vùng Ile de France, đến nay, có khoảng trên 33 tỉnh/thành Việt Nam có hợp tác với 24 địa phương của Pháp và đã triển khai khoảng 55 dự án, thỏa thuận hợp tác cấp địa phương.
"Trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, khi hoạt động trao đổi đoàn được dần nối lại, Đại sứ quán đã đón gần 30 đoàn địa phương, trong đó có 12 đoàn năm 2022 và 15 đoàn năm 2023," ông Đinh Toàn Thắng lưu ý.
Mặt khác, hợp tác địa phương để hiệu quả cũng cần lưu ý những điểm khác biệt đặc thù của mỗi bên. Đại thể như Việt Nam và Pháp có khác biệt về phân cấp hành chính, nguồn lực biến chuyển cùng những nhu cầu và ưu tiên chính sách hợp tác thay đổi từng ngày.
Trong giai đoạn hiện nay, hình thức kết nghĩa vì đoàn kết hữu nghị không còn được các địa phương Pháp mong muốn thúc đẩy, mà phải có lĩnh vực, dự án và chương trình hợp tác cụ thể.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng kiến nghị một số hướng đi trong trong thời gian tới. Theo đó, các địa phương khi triển khai tìm kiếm đối tác để thiết lập quan hệ cần xác định rõ và cụ thể mục tiêu, lĩnh vực và nội dung (dự án, lộ trình…) hợp tác; xác định rõ thế mạnh của địa phương mình có thể hợp tác với đối tác trên cơ sở tương ứng và tương tác với địa phương bạn, hạn chế suy nghĩ chỉ dừng lại ta nhận được gì hỗ trợ từ bạn hoặc lại đưa ra các dự án vượt quá khả năng của địa phương Pháp.
Trong duy trì và mở rộng hợp tác với địa phương Pháp, cần tranh thủ vai trò các doanh nghiệp, hiệp hội của cả Việt Nam và Pháp, thậm chí cả các cá nhân nòng cốt...cùng tham gia hỗ trợ thúc đẩy hợp tác.
Đồng thời, tăng cường tiếp cận, tham vấn và kết nối với một số đối tác, tổ chức đang can dự khá nhiều vào hợp tác địa phương như Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), hay các hiệp hội địa phương, Đại sứ Đinh Toàn Thắng lưu ý.
Ngoài ra, theo Đại sứ cần tăng cường tham khảo một số kinh nghiệm cụ thể từ thực tế như việc Xây dựng và phát triển mô hình văn phòng đại diện để nâng cao hiệu quả hợp tác; nghiên cứu hình thành cơ chế điều phối chung của các địa phương, theo vùng hoặc rộng hơn để phối hợp nguồn lực trong hợp tác, cũng như phục vụ việc chia sẻ thông tin.
Xây dựng mạng lưới kiều bào uy tín "đại diện" cho địa phương
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp của địa phương cần xây dựng kế hoạch/đề án cụ thể về quy hoạch phát triển của địa phương, xác định nhu cầu hợp tác cụ thể, chủ động xây dựng cơ chế đãi ngộ và trọng dụng phù hợp.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nhân, chuyên gia trí thức kiều bào, tập trung vào những hội đoàn đồng hương của địa phương, chọn cử cá nhân kiều bào có năng lực, hiểu biết và uy tín làm đại diện của địa phương ở sở tại.
“Các Cơ quan đại diện sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm và kết nối với mạng lưới chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào theo chủ trương và yêu cầu cụ thể của địa phương, doanh nghiệp,” Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối ngoại địa phương
Để hiện đại hoá ngành Ngoại giao, yếu tố đội ngũ cán bộ ngoại giao mang tính then chốt bởi lẽ con người là chủ thể kiến tạo nền ngoại giao hiện đại, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu cho biết, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Như Hiếu, hiện tại, Bộ Ngoại giao đang chủ động, tích cực triển khai công tác này theo 3 hình thức chính: chủ trì tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức, viên chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2021-2025, Đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phối hợp với địa phương tổ chức lớp bồi dưỡng theo đặt bài riêng; chủ trì, phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức khoá nâng cao năng lực theo chuyên đề.
Cục trưởng Nguyễn Như Hiếu cũng đề xuất một số giải pháp liên quan, trong đó, đề nghị các địa phương xem việc tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Ngoại giao đối với cán bộ làm công tác đối ngoại như một nhiệm vụ chính trị quan trọng, xem xét các tín chỉ đào tạo và tính vào đánh giá xếp loại hàng năm.
Đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao trong thời gian tới có thể cử cán bộ tới công tác tại các UBND tỉnh, thành phố để hỗ trợ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương theo cơ chế biệt phái/cố vấn, hoặc cơ chế luân chuyển hay mạng lưới cộng tác viên/hỗ trợ từ xa.
Địa phương cũng có thể xem xét cử cán bộ ngoại vụ tham gia làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao theo cơ chế thực tập/thực sự trong thời hạn 3-6 tháng. Bên cạnh đó là cử cán bộ ngoại vụ của địa phương biên giới đi công tác nhiệm kỳ ở Cơ quan đại diện Việt Nam tại quốc gia giáp biên tương ứng, Cục trưởng Cục Ngoại vụ cho biết.