Sáng ngày 19/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, phối hợp với Báo Thế giới và Việt Nam, tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới”. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Với 2 chuyên đề “Thông tin đối ngoại và quyền con người: Mối liên kết nằm ở đâu?” và “Giải pháp thúc đẩy thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới”, hội thảo thu hút sự tham dự của gần 80 đại biểu từ các cơ quan, ban, ngành trực tiếp tham gia công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, cùng các nhà ngoại giao, chuyên gia về quyền con người, đại diện Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền và các cơ quan báo chí…
"Cách làm mới" trong thời kỳ mới
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ Đỗ Hùng Việt đánh giá cao ý nghĩa và giá trị thiết thực của sự kiện, đặc biệt khi Việt Nam vừa công bố tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
Nói về tầm quan trọng của truyền thông, thông tin đối ngoại về quyền con người, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là công việc để làm cho những ai chưa hiểu về ta thì hiểu ta, ai hiểu rồi thì yêu ta, ai ghét ta thì bớt ghét đi, còn ai đã ghét và không thể từ bỏ thì ít nhất là bớt hung hăng đi”.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, hiện nay cùng với những thành tựu to lớn của đất nước, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người còn đối mặt nhiều vấn đề, cần phải thẳng thắn nhìn nhận và cùng nhau tìm ra biện pháp khắc phục. Trong đó, công tác thông tin các vấn đề liên quan đến quyền con người còn chậm, bị động trước thông tin của báo chí nước ngoài.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thông tin đối ngoại về thành tựu trong đảm bảo quyền con người ở Việt Nam vẫn còn thiếu về cả số lượng các sách đa ngữ; chưa tận dụng tốt việc ứng dụng sách điện tử trong thông tin, tuyên truyền. Việc số hoá hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu về quyền con người ở Việt Nam hiện còn phân tán, chưa thống nhất nên chưa tạo được nguồn cơ sở cho hoạt động thông tin.
“Ngoài ra, các tác động khách quan đến từ tình hình quốc tế và khu vực, những yếu tố an ninh phi truyền thống (như dịch bệnh, thiên tai, sự lớn mạnh và chi phối của truyền thông Internet, mạng xã hội) cũng tác động trực tiếp, đặt ra những khó khăn cho công tác đảm bảo quyền con người nói chung và công tác thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chỉ rõ.
Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh công tác truyền thông đối ngoại trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh cần có “cách làm mới", vừa sáng tạo vừa có sự nhạy bén về đối ngoại, vừa thường xuyên, không ngừng nghỉ để thế giới hiểu hơn về Việt Nam.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và báo chí nước ngoài trong lĩnh vực truyền thông đối ngoại nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, qua đó thúc đẩy hình ảnh quốc gia, nâng cao nhận thức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và xây dựng một môi trường đối thoại công bằng trên các diễn đàn quốc tế.
Yêu cầu và nhiệm vụ mới
Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ, cho rằng với sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác quyền con người từ trung ương đến địa phương. Công tác tuyền truyền thông tin đối ngoại về quyền con người cũng được tăng cường, đẩy mạnh với sự vào cuộc của tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương.
Điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách, thành tựu của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người, đồng thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, qua đó tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương đồng thời cũng nhấn mạnh, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có sự đổi mới về cả nội dung và phương pháp, đặc biệt khi vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đang gia tăng trên trường quốc tế.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Đinh Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nổi bật là việc trúng cử và đóng góp quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Tuy nhiên, một số quốc gia, tổ chức và cá nhân có cái nhìn định kiến và tiếp cận thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền của Việt Nam đã lợi dụng tình hình này để lan truyền thông tin sai sự thật.
Phó cục trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thông tin đối ngoại trong công tác chính trị, tư tưởng và ngoại giao của Việt Nam, với mục tiêu làm cho thế giới hiểu đúng về Việt Nam và đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch. Do đó, công tác thông tin đối ngoại về quyền con người cần được truyền thông qua cả báo chí và mạng xã hội, tuân theo phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”.
Cũng tại hội thảo, các cơ quan quản lý hoạt động thông tin đối ngoại cấp Trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí, nhà nghiên cứu, học giả liên quan đến công tác thông tin đối ngoại và công tác quyền con người đã cùng trao đổi, trình bày tham luận vể những cách thức mới, hiệu quả hơn trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong bối cảnh mới.