Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hương làng ra phố...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra Giêng, mưa phùn nhè nhẹ, rét vẫn ngọt nhưng những vườn bưởi ở ngoại thành bắt đầu đâm bông.

Cứ vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, trong tiết trời giao mùa, trên các con phố lại xuất hiện những xe hàng chở đầy hoa bưởi trắng tinh khôi như một nét rất riêng của Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh
Cứ vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, trong tiết trời giao mùa, trên các con phố lại xuất hiện những xe hàng chở đầy hoa bưởi trắng tinh khôi như một nét rất riêng của Hà Nội. Ảnh: Duy Khánh

Trong làng, ngoài bãi, lúc nào không khí cũng thoang thoảng mùi dịu nhẹ. Không hiểu sao, thứ hoa trắng mọc thành chùm lại có hương thơm quyến rũ đến thế…

Với người quê, hương bưởi tháng Giêng là thứ Xuân Thu nhị kỳ, năm nào mà chả có. Tuy nhiên mỗi khi “nghe” thứ vị quen thuộc, lòng vẫn xao xuyến, bâng khuâng. Dù cái mùi quen thuộc kia đang hiện hữu, nhưng nó lại tạo cho chúng ta cảm giác nhớ về những cái thuộc về quá vãng.

Nhưng với người hàng phố, trong muôn hồng ngàn tía của hoa cỏ mùa Xuân, hoa bưởi vẫn có ấn tượng đặc biệt với sự tinh khôi đến là lạ. Không hiểu vì ý do gì, cứ đến rằm tháng Giêng, nhiều người phải lùng cho bằng được đĩa hoa bưởi để thắp hương cho gia tiên, ngoài ra không hề “màng” đến các loài khác?

Thời điểm này trên đường phố Hà Nội, hương bưởi đang theo về trên các gánh hàng mang rong. Khắp các cửa ô, theo dáng dấp lam lũ của người quê, hoa bưởi đang tỏa hương khắp phố. Từng chùm hoa bưởi trắng ngần được các mẹ, các chị xếp vào trong cái mẹt xinh xắn.

Hương bưởi thanh thoát, giữa cái rét ngọt của ngày Xuân, khiến lòng người lâng lâng, khi cảm nhận mùi hương bình dị đến từ các vùng quê. Trong sự tấp nập, ồn ào của phố thị, “cảm” được mùi hương bưởi, nhiều người con xa như thầm ước được trở về mảnh vườn xưa; căng tràn lồng ngực hít thật sâu để cái vị thân thương kia quấn quýt mãi.

Bởi giờ đây, chẳng còn ai dùng hoa bưởi, hoa ngâu nấu với bồ kết để gội đầu như bà, như mẹ ta ngày trước. Giờ đây “phố phường chật chội, người đông đúc”, liệu còn mấy gia đình còn đất cho… cây bưởi sau nhà, để Xuân về ngan ngát hương đưa? Trai gái giờ đây (nếu có hẹn hò), đã có facebook, zalo, viber các kiểu… Và chắc hẳn cũng chẳng còn cô gái nào “Giấu vội chùm hoa trong chiếc khăn tay”, để tiễn người yêu trước lúc lên đường...

Đến tuổi thì thực hiện nghĩa vụ quân sự, trai tráng lên đường tòng quân là điều này đã được luật hóa. Và cũng chỉ sau vài năm, họ sẽ trở về trong sự trưởng thành, rắn rỏi hơn lúc ở nhà. Cũng mong rằng đất nước ta được bình yên, để không còn cảnh những người trai “ra đi từ đó không về”. Chắc rằng hoa bưởi trong chiếc khăn tay chỉ còn trong ký ức của lớp người lớn tuổi. Phố thị luôn được tô điểm bởi muôn hồng, ngàn tía, bởi nói như nhạc sỹ Giáng Son, Hà Nội có tới… 12 mùa hoa; mỗi loài hoa đều có đặc trưng riêng gắn với thời gian, lịch pháp.

“Tháng Giêng hoa đào bừng nở/Đón Xuân khoe sắc hồng tươi…”. Dẫu có vị trí “độc tôn”, nhưng qua Tết, liệu đào không còn đủ hấp dẫn người ta? Tuy nhiên, khi gánh hoa bưởi rong ruổi qua các con phố, gần như ai cũng ồ lên “ôi, hoa bưởi thơm quá”.

Trên thực tế, người ta đang dần bỏ những giống hoa bản địa, để chạy theo những giống ngoại nhập, tuy hữu sắc nhưng vô hương! Chỉ còn “anh bưởi”, vẫn cần mẫn níu giữ cái tinh khôi hương sắc, để cứ đúng dịp là tô điểm cho phố phường một mùi thơm quyến rũ lòng người. Mỗi độ tháng Giêng, hương bưởi lại ngập tràn phố xá, đem lại cảm giác bình yên cho cuộc sống, mùi hoa bình dị kia vẫn quyến luyến, dù thời gian vẫn trôi, dù vật đổi sao dời…