Đó là những con số ấn tượng trong doanh thu từ một sự kiện văn hóa để làm đòn bẩy cho việc khai phá ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội.
Nín thở trước giờ diễn
Blackpink mang Born Pink tour đến Hà Nội là thông tin quá bất ngờ với các fans không chỉ của Việt Nam và thế giới. Hà Nội sẽ làm những gì để đón chào tour diễn này đã trở thành đề tài nóng của các trang mạng xã hội trước khi nó diễn ra. Quá nhiều thông tin nhiễu loạn, thậm chí là cả việc cho rằng show diễn của nhóm nhạc đang có đẳng cấp quốc tế khó có thể thực hiện ở Việt Nam cũng được tung ra.
Niềm tin về việc Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có thể tổ chức các chương trình giải trí quy mô đôi lúc bị lung lạc. Tuy nhiên, thực tế hai đêm diễn của nhóm Blackpink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã lan tỏa mạnh mẽ hơn dự kiến ban đầu.
Yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của sự kiện lần này là sự hợp tác nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn từ các đơn vị quản lý văn hóa. Kể từ khi thông báo đến khi sự kiện chính thức diễn ra chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng nhưng mọi vấn đề phát sinh trước thềm sự kiện đều được các bộ, ban, ngành giải quyết gọn gàng, tạo niềm tin và sự ủng hộ trong công chúng.
Hai đêm diễn này chứng tỏ nỗ lực của các cấp, ngành Hà Nội trong hiện thực hóa Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa. Chủ trương, định hướng của lãnh đạo Thành ủy thực sự đi vào đời sống, tạo ra cú hích lớn cho đời sống văn hóa, đặc biệt là du lịch của Thu đô.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, các hoạt động du lịch tại Hà Nội hưởng lợi lớn trong hai đêm diễn 29 - 30/7 của Blackpink, tổng thu từ du khách ước đạt 630 tỷ đồng. Trong hai đêm diễn của Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình, khoảng 170.000 khách đã đến Hà Nội, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia.
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị những ngày diễn ra sự kiện, các khách sạn, nhà nghỉ khu vực gần sân vận động Mỹ Đình như Western Skyline, Marina, Reyna đã xảy ra hiện tượng “cháy phòng”. Đa phần, du khách lựa chọn đặt phòng trước ngày diễn ra sự kiện âm nhạc để có thời gian đón thần tượng và tham quan Thủ đô.
Dư âm thành công của đêm nhạc tại Hà Nội vẫn còn đó, nhưng điều quan trọng nhìn lại từ thành công của hai đêm diễn đó là kinh nghiệm để có được sự tự tin hướng tới các chương trình tiếp theo, dần gỡ khó cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa đã đề ra tại Nghị quyết 09 của Thành ủy.
Tạo sức mạnh từ nguồn lực tự có
Giám đốc điều hành Media Max Đỗ Huyền Trang, đơn vị tổ chức nhiều sự kiện lớn trong đó có đêm nghệ thuật giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, với những sự kiện quốc tế như đêm diễn Blackpink, đơn vị sản xuất Việt Nam chỉ mang tính hỗ trợ. Nhân sự chủ chốt thực hiện đêm diễn đều đến từ nước ngoài. Media Max cũng là một trong những đơn vị tham gia vào khâu hỗ trợ sản xuất, hậu trường cho hai đêm nhạc Blackpink vừa rồi ở sân vận động Mỹ Đình.
Bao giờ Việt Nam cũng như Hà Nội có được sân khấu chuyên nghiệp, công tác tổ chức tiệm cận công nghiệp giải trí quốc tế, khiến các công ty tổ chức biểu diễn không phải mang vác từ nước ngoài là điều các nhà tổ chức sự kiện trăn trở. “Việc tổ chức các sự kiện âm nhạc quốc tế quy mô lớn đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau như giải trí, truyền thông, quảng cáo, nhà sản xuất và quản lý sự kiện.
Điều này góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp giải trí và sự kiện trên địa bàn Thủ đô, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh về các giải pháp đòn bẩy trong việc Hà Nội thu hút du khách từ sự kiện âm nhạc.
Thư cảm ơn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh không chỉ là lời nhắn gửi đến nhóm nhạc Blackpink và người hâm mộ mà đó còn là một tín hiệu cho thấy Việt Nam luôn hoan nghênh những nghệ sĩ lớn trên thế giới tới Việt Nam biểu diễn. Đó cũng là một thông điệp về sự mến khách, chào đón, sẵn sàng hội nhập sâu rộng và phát triển công nghiệp văn hóa. Chính vì vậy, chắc chắn sau đêm nhạc của nhóm Blackpink, Hà Nội sẽ chuẩn bị nhiều hơn về điều kiện cơ sở vật chất cho các show diễn mới.
Cũng đã có những băn khoăn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thời đại 4.0 có bị lung lay, chuyển đổi phương thức, đặc biệt khi công nghệ AI đang có xu hướng lấn át. Tuy nhiên, với hơn 20 năm kinh nghiệm sáng tác, sản xuất CD cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, giám đốc và nhà sản xuất Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) kể từ năm 2014, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết chuyển đổi số và sự xuất hiện của AI mang đến nhiều lợi ích.
Tuy nhiên trong sáng tạo văn hóa, năng lực của con người mới tạo nên thành công. Công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ là phải tạo ra sản phẩm riêng biệt từ con người. Hà Nội với nhiều tiềm năng, với những con người giàu sáng tạo chắc chắn sẽ tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa made in Hanoi mà không phải công nghệ làm ra.
Tại các hội nghị, tọa đàm nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, việc tích cực giao lưu quốc tế về công nghiệp văn hóa, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một kênh dẫn truyền quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.
Hiệu quả tổ chức các sự kiện âm nhạc quốc tế quy mô lớn đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau như giải trí, truyền thông, quảng cáo, nhà sản xuất và quản lý sự kiện. Qua đó, sản phẩm công nghiệp văn hóa có nguồn thu đa dạng nhờ các hoạt động quảng cáo hình ảnh, phí bản quyền, mua bán phụ kiện, xuất bản sách…
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn