KTĐT - Mỗi năm khi đến mùa tuyển sinh ĐH, CĐ, tâm trạng của các bậc cha mẹ có con lớp cuối cấp lại rối bời, bởi đây là một bước ngoặt quan trọng quyết định tương lai của chúng. Dù rằng, sự quan tâm luôn tràn đầy trong lòng mỗi người, nhưng việc hiểu biết thấu đáo mọi khía cạnh để giúp con cái chọn lựa hướng đi phù hợp thì không phải ai cũng có.
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh bắt buộc con mình phải thi vào đại học theo ý thích của họ, mặc dù ngành nghề đó không đúng sở thích và nguyện vọng của con cái. Các bậc phụ huynh thường nghĩ: Con chọn ngành nghề theo bạn bè, chứ chưa biết gì, nên cha mẹ luôn "đặt lệnh" cho con. Theo một thống kê cho thấy, những cha mẹ "bình dân" thường mong muốn con thành bác sĩ, dược sĩ, giáo viên. Cha mẹ càng có trình độ cao, lại càng đắn đo, thường chọn các ngành kinh doanh, tin học, điện tử, viễn thông... Ý muốn chủ quan và kỳ vọng của cha mẹ đã làm họ quên mất nghề đó có phù hợp với mong muốn, sở thích, sức khoẻ, tâm lý của con hay không?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông, chưa có ý thức hướng nghiệp, nên việc chọn nghề, cha mẹ không thể để mặc con tự xoay xở. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên tôn trọng quyết định của con bằng cách cùng con bàn bạc, trao đổi. Việc hướng nghiệp cho con nên bắt đầu ngay từ lúc con vào lớp 10. Song việc tìm hiểu năng lực, cá tính, sở thích, hoài bão của con thì phải làm từ lúc con còn nhỏ. Có nhiều ngành nghề rất hấp dẫn cha mẹ, nhưng gây nhàm chán cho con. Nếu cha mẹ nhận thấy ngành nào đó phù hợp với con, hãy cung cấp thông tin cho con về ngành này và có hướng để con quyết định.
Thực tế, hướng nghiệp không đơn giản chỉ là việc chọn nghề. Với học sinh, việc sớm định hướng nghề nghiệp sẽ giúp các em có ý thức, trách nhiệm hơn trong học tập. Những định hướng ấy sẽ giúp các em xác định được mình phải làm gì khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và để đạt được mong ước ấy, các em phải phấn đấu rèn luyện ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng: Việc làm đầu tiên của các gia đình là sớm phát hiện, nâng đỡ những ý thích, say mê hay hoài bão của mỗi đứa trẻ. Có những ý thích, say mê không phù hợp với mong muốn của cha mẹ hoặc vượt quá những ngưỡng cho phép thì cha mẹ cũng phải biết cách ứng xử hợp lý, không nên "dập tắt" một cách thẳng thừng. Con cái có khả năng ngành y thì không nên ép học sư phạm, hoặc con cái chỉ đủ sức học cao đẳng, trung cấp thì không nên bắt thi đại học hay ngành nghề khác quá với năng lực của con. Khi hiểu được điều đó, phụ huynh hãy bình tĩnh để cùng với con có những quyết định chính xác cho bước ngoặt có tính chất rất quan trọng này.