Hương Tết của mẹ

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những mùa trôi đi, cuốn theo cả mùa Xuân của mẹ nhưng không thể cuốn trôi hương Tết của mẹ mỗi độ xuân về, đó là mùi hương của gia đình, của quê hương.

Có lẽ chỉ những ai sống xa nhà xa mẹ mới có những nhớ thương da diết về mẹ về quê hương, rồi khi chợt nghe chút hương thân quen là thấy như đang sống giữa quê hương trong vòng tay ôm ấp của mẹ.
Hương Tết của mẹ là mùi hoa cúc còn vương hơi sương những sáng 30 Tết mang vội về từ chợ quê.
Hương Tết của mẹ là mùi lá dong nhè nhẹ thoát ra từ góc nhà tắm. Bó lá dong dấp nước để một góc được mẹ mua từ mấy ngày trước vì sợ gần Tết đắt. Sáng 30 gói bánh chưng, đêm hôm trước mấy anh chị em cùng mẹ ngồi rửa lá dong, rồi tách bớt gân lá, ngửi mùi lá dong lúc này có thể tưởng tượng ngay ra hương thơm hòa cùng gạo nếp khi nấu.
  Ảnh: Phạm Hùng
Rồi sáng hôm sau cả nhà sẽ dậy thật sớm, quây quần ngồi xem bố gói bánh, mỗi đứa đều đặt hàng bố gói riêng cho một chiếc bánh chưng con và đánh dấu thật kỹ khi bỏ vào nồi, và mấy anh chị em lại cùng nhau nhóm củi nấu bánh. Cả đám sẽ tranh nhau ngồi canh nồi bánh, vì giữa tiết trời giá lạnh của mùa Đông, được ngồi bên bếp củi nướng vài củ khoai lang, rồi hít hà hương thơm của nếp hòa quện cùng lá rong thì còn gì bằng.
Hương Tết của mẹ còn là những chiều 30 Tết, mẹ nấu một nồi nước cây mùi già thật to cho cả nhà tắm xông tất niên. Tôi hay bảo mẹ: “Mùi già thơm quá, tại sao những ngày bình thường mẹ không nấu không cho bọn con tắm”, “Người ta chỉ nấu tắm nước này vào cuối năm để tẩy trần những chuyện không may mắn của năm cũ, với làm gì có thời gian đâu mà nấu" - mẹ trả lời có vẻ không thuyết phục lắm, nhưng tôi vẫn chấp nhận.
Và cả những sáng mùng 1, mùng 2 Tết, chúng tôi đều bị đánh thức bởi hương thơm của mùi già mẹ nấu, vừa dậy là mẹ đã pha sẵn một chậu nước rửa mặt mùi già thơm lừng, tôi cứ hít hà mãi rồi úp nguyên cả chiếc khăn ấm thơm thơm ấy lên mặt, rồi ngồi nghịch cho đến khi nước không còn ấm.
Hương Tết của mẹ còn có mùi chân giò om măng khô - một món ăn mà suốt mười mấy năm, năm nào tôi cũng thấy mẹ nấu, đến nỗi tôi nghĩ nó là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết như bánh chưng vậy.
Có năm tôi hỏi mẹ “sao năm nào cũng phải nấu món này hả mẹ, con thấy ăn không ngon gì cả”, mẹ bảo “thế là ngon nhất rồi còn gì". Sau này lớn một chút tôi mới biết, cả năm cũng chỉ có ngày Tết là chúng tôi được ăn món đó.
Hương Tết của mẹ cũng là hương thơm của sự đầm ấm, quây quần của gia đình. Có lẽ Tết là thời điểm duy nhất bố mẹ sẽ ở nhà cùng chúng tôi cả ngày mà không phải đi làm. Chúng tôi thèm lắm cảm giác này, cảm giác được thấy bố mẹ nghỉ ngơi, không phải làm việc vất vả, cả nhà ngồi ăn với nhau một bữa cơm thật thong thả không vội vàng.
Với tôi đó là hương thơm của hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tưởng giản đơn nhưng tôi phải mong ngóng cả năm. Bởi những ngày thường, bố mẹ không có thời gian dành cho chúng tôi, một ngày bố mẹ làm việc từ sáng tinh mơ tới tối khuya mới xong, ngày nào cũng vậy. Thậm chí có những ngày mưa, tôi rất vui vì nghĩ hôm nay bố mẹ sẽ ở nhà, nhưng không, để kiếm thêm tiền, bố mẹ nhận làm cả những việc của ngày mưa. Tết nào tôi cũng mặc cả “nhà mình ăn Tết hết mùng 4 nha mẹ”, nhưng mùng 3 bố mẹ đã bắt đầu khai xuân.
Nhưng đó là hương Tết của mẹ những ngày xưa, hương Tết bây giờ của mẹ là những chiếc bánh chưng được mua sẵn, không còn mùi của nếp, của lá dong của khói trộn lẫn vào với nhau. Cũng không còn những nồi nước Mùi già tắm tất niên, hay chậu nước Mùi già rửa mặt mỗi sáng tân niên, không còn nồi chân giò om măng. Nhưng bù lại, chúng tôi được tận hưởng trọn vẹn thời gian cùng nhau, những ngày trước Tết cùng nhau dọn dẹp, cùng nhau ngồi trò chuyện kể lại chuyện ngày xưa trong mỗi bữa cơm, và bố mẹ không còn phải vội vàng kết thúc Tết sớm để làm việc cho năm mới.
Với tôi, hương Tết của mẹ chỉ là những thứ dung dị vậy thôi, thế mà có lúc thèm lắm nhưng đâu phải muốn là có được. Sống xa nhà, nghe hương mùi già, hương lá dong, hương gạo nếp,... là nhớ Tết nhớ quê. Vậy nên, dù có bận rộn hãy cố gắng sum vầy cùng gia đình những Tết, bởi bố mẹ cũng trông mong chúng ta trở về nhưng chính chúng ta thủa nhỏ chỉ mong bố mẹ ở nhà ăn Tết thật lâu.