Hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 và đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán 2018.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đinh hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 17%, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Tín dụng năm 2017 đạt 18,71%

Trong năm 2017, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động của các TCTD. Ước tính cả năm, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16 - 18% từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 18,17%. Đặc biệt, tín dụng đã tăng đều trong suốt năm 2017 chứ không dồn vào cuối năm như nhiều năm trước đây. Tín dụng chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ). Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn với mức tăng trên 23%, tín dụng với công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%... Dự trữ ngoại hối đã lên mức xấp xỉ 52,5 tỷ USD. Thị trường ngoại tệ ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. “Năm qua hầu hết các ngân hàng đều có lãi, kể cả một số ngân hàng yếu kém nhưng đã khắc phục được rất nhiều khó khăn” - đại diện NHNN chia sẻ.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh NCB Hà Nội. Ảnh :Phạm Hùng

Về định hướng điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng năm 2018, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Năm 2018, NHNN đặt ra định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 17%, hướng vào sản xuất, kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên. “Dù đặt ra con số như vậy nhưng NHNN sẽ theo dõi tình hình diễn biến trên thị trường thế giới và tình hình thực tế trong nước để chủ động điều chỉnh linh hoạt” - bà Hồng chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Hồng, NHNN sẽ bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thanh khoản thị trường, tỷ giá, tình hình tài chính của các TCTD để làm sao phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN. Trong năm nay, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD đến năm 2020 gắn với xử lý nợ xấu. Đây là một nhiệm vụ then chốt để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng có thể hoạt động, phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, tiết giảm chi phí hoạt động.

Chỉ đáp ứng tiền mệnh giá nhỏ với nhu cầu chính đáng

Theo NHNN, cuối năm luôn là thời gian nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao nên NHNN đã xây dựng chủ trương để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, đảm bảo tiền mặt và an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên đán 2018. NHNN đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ mệnh giá, đủ tiêu chuẩn lưu thông dịp Tết, theo nhu cầu chính đáng của người dân. Đồng thời, thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Mậu Tuất giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng.

Liên quan đến việc cung ứng tiền 100 đồng cho các BOT như BOT Cai Lậy gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết không ảnh hưởng gì tới hoạt động cung ứng tiền lẻ, tiền mặt vào dịp cuối năm. "NHNN vẫn in tiền lẻ phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, nhưng không ủng hộ những nhu cầu tiền lẻ không chính đáng như lễ chùa, cúng bái...

NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng phát hiện kịp thời các vụ việc ATM gặp sự cố để NHNN kịp thời chỉ đạo xử lý, hạn chế thấp nhất lỗi kỹ thuật, nghẽn mạng đối với các giao dịch ATM. Các TCTD phải có phương án trong trường hợp ATM quá tải phải chi trả lương, thưởng cho người lao động tại chỗ, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu TCTD nào vi phạm không đáp ứng được nhu cầu của người dân, để ATM ngừng hoạt động 24h sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Thông tư 36/2012. 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú