Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ III: Nỗ lực cải thiện đời sống đồng bào dân tộc

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ chiếm khoảng 1% dân số Hà Nội nhưng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống trên 10% diện tích của Thủ đô.

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ chính trị - xã hội được Hà Nội đặc biệt chú trọng, chỉ đạo triển khai trong nhiều năm qua.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Nhằm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, UBND TP đã ban hành các Kế hoạch số 166 và 138 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô” giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020. Gần 1.700 tỷ đồng đã được TP bố trí phục vụ mục tiêu nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng DTTS.
Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 với tổng kinh phí là 21,2 tỷ đồng; Quyết định số 900/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó phân bổ 14,8 tỷ đồng cho đồng bào vùng DTTS.
 Đồng bào vùng dân tộc thiểu số huyện Ba Vì thu hoạch lá chè. Ảnh: Lâm Nguyễn
Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP đã ban hành quy định mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, trong đó nâng mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo trên địa bàn xã khu vực II từ định mức của Chính phủ là 80.000 đồng lên 150.000 đồng/người/năm; xã khu vực III từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/người/năm.
Giai đoạn 2014 – 2018, Hà Nội đã bố trí gần 5,8 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS vùng khó khăn. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội TP cũng cho gần 7.300 lượt hộ DTTS nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm với số tiền trên 214 tỷ đồng.
Kết quả, từ cuối năm 2016, TP không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm, có xã đạt 46 triệu đồng/năm. Đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS còn 3,7%; dự kiến hết năm 2019, con số này sẽ giảm còn 3%.
Tiếp tục chuyển dịch kinh tế 
Những kết quả trong phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS đạt được là một sự nỗ lực lớn, nhất là trong bối cảnh năm 2008, trình độ phát triển của vùng DTTS và miền núi vẫn còn khoảng cách xa so với đồng bằng, đô thị. Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng nhất giai đoạn 5 năm tới là tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS của Thủ đô.
Trong đó, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế gắn với thực hiện hai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung gắn với chế biến, phù hợp với đặc điểm từng thôn, xã.
Chú trọng hỗ trợ đồng bào vùng DTTS vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu 100% các hộ xã, thôn tham gia thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, biết tự tổ chức sản xuất làm giàu vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, kêu gọi các tổ chức, DN đầu tư cho sản xuất tại vùng DTTS. Phấn đấu 100% các xã có DN tham gia kết nối phát triển chuỗi liên kết sản xuất, thúc đẩy du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ III với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc TP Hà Nội đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại” sẽ được tổ chức trong hai ngày 2 – 3/10/2019 có sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho cộng đồng các DTTS đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô.

Một số chỉ tiêu nổi bật Đại hội đặt ra đến năm 2024 là: Duy trì tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 12%; thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân trên 20%/năm, đến cuối năm 2024 cơ bản bằng mức bình quân khu vực nông thôn của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần