Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ số vào năm 2025

Kim Động
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số là mục tiêu quan trọng trong việc triển khai nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/20119 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chiều 11/11, Hội thảo chuyên đề "Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong chuỗi Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 được diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Sỹ Hiệp - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cùng với 50 đại biểu đại diện các đại sứ quán, lãnh đạo các ban bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn.

Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ số vào năm 2025 - Ảnh 1
 Toàn cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết nhiệm vụ phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá nhắm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số.

Sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, thúc đầy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Việc chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra mục tiêu Việt Nam nằm trong nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử với đặc trưng “bốn không”, họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Mặt khác Chính phủ số bổ dung thêm “bốn có” bao gồm, có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Tại sự kiện industry 4.0 summit 2021, nhiều nội dung quan trọng về kinh nghiệm xây dựng Chính phủ số sẽ được thảo luận từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Trong đó, nội dung về phát triển kinh tế số - con đường dẫn tới tương lai của Việt Nam; vấn đề về tận dụng nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành dịch vụ; số hóa nền thương mại nội địa bằng thế mạnh thương mại điện tử; Nền tảng số hay Chuyển đổi số - động lực mới của ngành bất động sản; Dịch vụ nội dung số và cuộc cạnh tranh xuyên biên giới trên sân nhà.

Theo dữ liệu từ phòng Điều hành an ninh tại VNPT Cyber Immunity, VNPT-IT thì trong quá trình chuyển đổi số, việc đảm bảo An toàn thông tin được đặt lên hàng đầu. Một số chỉ số về hiện trạng và xu hướng về an toàn thông tin tại Việt Nam và trên thế giới về ATTT đã được thống kê, trong đó có nhiều kiểu tấn công vào hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Chỉ số tấn công được sử dụng nhiều nhất là mã hóa dữ liệu đã chiếm 23% trong tổng số các cuộc tấn công mạng, tiếp theo là các kiểu tấn công lừa đảo, đánh cắp dự liệu, tấn công vào máy chủ cũng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ số vào năm 2025 - Ảnh 2
 Ông Lê Phạm Minh Thông - Trưởng phòng Điều hành an ninh tại VNPT Cyber Immunity, VNPT-IT chia sẻ về an toàn an ninh trong chuyển đổi số.

Trong những năm qua, các cuộc tấn công bằng DDOS chiếm đến 4,3%, ngoài các cuộc tấn công nhỏ lẻ thì có những cuộc tấn công dung lượng lớn lên đến 130G. Để hạn chế việc này đòi hỏi các đơn vị phải có hạ tầng Công nghệ thông tin tốt và có phương án ứng cứu khi xảy ra sự cố. VNPT cũng là đơn vị đã trực tiếp tham gia vào đảm bảo An toàn cho các hệ thống thông tin trọng yếu cấp Bộ và các ban ngành địa phương, đảm bảo an toàn trong việc thiết kế, kiến trúc các hệ thống giải pháp ATTT.

Giám sát, cảnh báo ATTT để có thể bảo vệ khách hàng trước những cuộc tấn công cũng như giảm thiểu rủi ro về an ninh mạng, từ đó kịp thời phát hiện những cuộc tấn công để hạn chế những thiệt hại đối với các tổ chức và doanh nghiệp. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin an toàn như hệ thống thông tin tình báo mạng (Threat Intelligence) của VNPT đã được chia sẻ với các tổ chức ATTT chuyên trách tại Việt Nam và các đối tác quốc tế. Xu hướng về điện toán đám mây, ảo hóa hay lựa chọn các kiến trúc lại hệ thống dữ liệu theo hướng hội tụ và siêu hội tụ đã được nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng.

Năm 2021, Hội truyền thông số Việt Nam cùng với Cục tin học hóa đã nghiên cứu bộ chỉ số chuyển đổi số, từ đó đã phối hợp để khảo sát, đánh giá, công bố các chỉ số này của các cơ quan, tổ chức. Trong đó, đối với cấp bộ và cơ quan ngang bộ có 7 chỉ số chính, 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí đánh giá chuyển đối số. Đối với cấu trúc bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh thì ngoài 7 tiêu chí thì sẽ được chia thành 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thì có đến 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí.

Theo ông Vũ Kiêm Văn - Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam thì hiện nay chỉ số chuyển đổi số nói chung ở nước ta còn thấp và còn rất nhiều dư địa để cải thiện chỉ số này. Các cơ quan xem xét các chỉ số nào còn thấp được công bố từ Cục tin học hóa và Hội truyền thông số Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp để cái thiện chỉ số này.

Để làm được điều này các cơ quan cần xem xét lại về mặt thể chế, sự quan tâm của người đứng đầu để cụ thể hóa văn bản, nghị quyết và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số. Ngoài ra, việc chuyển đổi nhận thức và kỹ năng số cũng sẽ quyết định đến các chỉ số, nâng cao đào tạo kỹ năng số, tập trung tập huấn cho cán bộ, lãnh đạo các cơ quan để có thể chuyển đổi số thành công.

Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ số vào năm 2025 - Ảnh 3
 Ông Vũ Kiêm Văn - Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Giải pháp đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin cũng là vẫn đề quan trọng trong quá trình triển khai chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin luôn phải được đảm bảo, ổn định để kết nối vào các dịch vụ công trực tuyến. Việc triển khai chuyển đổi số ở các tỉnh, TP phải có liên hệ mật thiết kiến trúc của đô thị thông minh, từ đó mới sự tổng hợp, hội tụ lẫn nhau của 2 thành phần này. Cơ chế tài chính bền vững trong quá trình chuyển đổi số cũng là yếu tố quyết định để triển khai thực hiện các giải pháp công nghệ, chi phí vận hành mãi mãi hay dịch vụ thuê công nghệ thông tin bao gồm ứng dụng và hạ tầng công nghệ thông tin.

Phiên thảo luận đã đưa ra những giải pháp trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số là hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng, nền tảng số quốc gia, phát triển hạ tầng quốc gia, phát triển ứng dụng quốc gia và đảm bảo an toàn an ninh mạng quốc gia. Từ đó, giúp cho chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp để giảm chi phí và tăng năng xuất, tạo sự thuận lợi và hài lòng của người dân.

Trong khuôn khổ của hội nghị sẽ diễn ra triển lãm trực tuyến về công nghiệp 4.0 năm 2021, nơi đây mọi người có thể khám phá không gian triển lãm 3D với nhiều giải pháp đến từ nhiều công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước.