70 năm giải phóng Thủ đô

Hướng tới ngày hội non sông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 20 ngày nữa, một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ diễn ra. Đó là ngày...

Kinhtedothi - Hơn 20 ngày nữa, một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước sẽ diễn ra. Đó là ngày 22/5 - Ngày  cử tri đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp. Để chuẩn bị cho ngày hội non sông, cả hệ thống chính trị và người dân tại Hà Nội cũng như cả nước đã cùng vào cuộc, để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.

Sự vào cuộc tích cực

Những ngày này, đi trên các tuyến đường của TP Hà Nội, từ trung tâm đến ngoại thành, không khí của ngày bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang rực rỡ bởi cờ hoa, phướn, băng rôn, tranh ảnh tuyên truyền cổ động trực quan. Các điểm niêm yết danh sách cử tri và tiểu sử tóm tắt các ứng cử viên được đặt tại 4.873 khu vực bỏ phiếu, những công trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khu vực đông người qua lại và được trang trí bắt mắt để thu hút sự quan tâm của cử tri. Các buổi tập huấn, thi tìm hiểu về Luật Bầu cử và những quy định của ngày bầu cử càng làm cho không khí thêm sôi động. Cùng với các cơ quan báo chí, tuyên truyền, trên hệ thống loa phát thanh của các phường, xã, liên tục phát đi những bản tin về những quy định của cuộc bầu cử; danh sách, lý lịch các ứng cử viên từ ĐB Quốc hội tới HĐND các cấp.
Trang trí áp phích trên phố Cửa Nam. 	Ảnh: Công Hùng
Trang trí áp phích trên phố Cửa Nam. Ảnh: Công Hùng
Ghi nhận từ các quận, huyện, thị xã trên toàn TP cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của cả hệ thống chính trị, từ việc quán triệt các văn bản hướng dẫn của cấp trên, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai các bước của cuộc bầu cử để được tiến hành nhanh, đúng luật và hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết: Huyện rất quan tâm đến việc tập huấn cho các Tổ bầu cử, công tác lập và niêm yết danh sách cử tri, danh sách người ứng cử... Để đảm bảo an ninh trật tự, Tiểu ban chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự - an toàn xã hội và Công an huyện Gia Lâm đã phối hợp xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai các lực lượng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trước, trong và sau cuộc bầu cử. Đến nay, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục ổn định và giữ vững.

Tại quận Hà Đông, việc triển khai công tác bầu cử đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch và trình tự luật định. Công tác tuyên truyền được quận đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ từ quận tới phường với nhiều hình thức, nội dung thiết thực và đến được với tất cả người dân trong quận.

 Các quận huyện khác trên địa bàn TP đang rất khẩn trương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử. Đến thời điểm này, nếu hỏi về bầu cử, hầu hết Nhân dân đều nắm rõ về ngày đi bầu cử và những người ứng cử tại địa phương mình. Hiện các ngành liên quan đang gấp rút chuẩn bị cho bước các ứng viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Cùng với đó, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức cho cử tri học tập Luật, mạn đàm về cơ cấu, tiêu chuẩn ĐB…; thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, giải quyết khiếu nại tố cáo… để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công nhất.

Tuyên truyền đến từng người dân

Để tạo không khí phấn khởi và thu hút sự tham gia tích cực của người dân vào cuộc bầu cử, công tác tuyên truyền luôn là một nội dung được Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội và Ủy ban Bầu cử các cấp đặc biệt nhấn mạnh. Có thể nói, công tác tuyên truyền tại Hà Nội đang được thực hiện bằng nhiều hình thức đang đến với từng người dân, để mỗi cử tri đều thấy được tầm quan trọng của từng lá phiếu, cân nhắc kỹ lưỡng để chọn mặt gửi vàng đối với ứng cử viên mình tin tưởng nhất.

Là một trong những vùng xa trung tâm TP, những ngày này, cùng với các hình thức tuyên truyền phong phú khác, huyện Phú Xuyên cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử trên hệ thống loa truyền thanh. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Xuyên Phạm Kim Tinh cho biết: Việc tuyên truyền được triển khai đồng bộ tại 2 thị trấn và 26 xã để người dân tích cực hưởng ứng ngày hội toàn dân. Bên cạnh đó, nêu rõ trách nhiệm của Nhân dân, cử tri tham gia công tác bầu cử đạt hiệu quả cao. Hiện, huyện Phú Xuyên đã lập xong danh sách chính thức ĐB HĐND các cấp để các đơn vị bầu cử tiến hành lập phiếu bầu vào ngày 22/5 tới.

Không chỉ tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), UBND phường đã phối hợp với Hội Luật gia TP tổ chức giới thiệu, giải đáp những thắc mắc liên quan đến Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND tới 150 người là bí thư các chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng các ban bầu cử. Đây cũng là phường đông dân nhất của quận Hai Bà Trưng và có nhiều khu chung cư lớn, nên công tác tuyên truyền về bầu cử cũng được tổ chức linh hoạt, phù hợp với từng khu vực, gắn vận động bầu cử với việc giới thiệu nhân sự các ứng cử viên.

Để không khí bầu cử đến với từng đối tượng người dân, TP Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành có những hình thức tuyên truyền phù hợp. Giúp các công nhân lao động hiểu hơn về cuộc bầu cử, LĐLĐ TP  đã phối hợp triển khai 30 cuộc tuyên truyền đến công nhân lao động tại các khu CN&CX, KCN trên địa bàn, phát hơn 40.000 tờ rơi tuyên truyền về Luật, về ngày bầu cử. Công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở cũng đã tổ chức 65 buổi tuyên truyền, tập huấn về Luật, đồng thời chỉ đạo các công đoàn cơ sở DN treo khẩu hiệu, panô, áp phích tuyên truyền trực quan về bầu cử, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày bầu cử ngày hội của toàn dân tộc.

Có thể nói rằng, càng gần đến ngày bầu cử, công tác tuyên truyền ở các phường, xã, quận, huyện càng được đẩy mạnh để mọi tầng lớp Nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, thấy được vai trò và trách nhiệm khi cầm lá phiếu lựa chọn ra những ĐB có đức, có tài đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong cuộc họp Ủy ban Bầu cử TP vừa qua, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, cùng với việc rà soát, nắm bắt và triển khai các công việc theo tiến độ của cuộc bầu cử, các đơn vị cần tập trung thực hiện tuyên truyền cao điểm. Theo đó các ngành chức năng chú trọng tuyên truyền trực quan, các bảng điện tử phải bố trí nội dung bầu cử để người dân cảm nhận được tinh thần và không khí của ngày hội bầu cử.
Trong cuộc kiểm tra công tác triển khai bầu cử tại địa phương, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Từ nay đến 22/5/2016, các tỉnh, TP cần tập trung tuyên truyền về tiêu chuẩn của người đại biểu dân cử; về công tác vận động bầu cử; về quyền và nghĩa vụ của cử tri; về cách thức tiến hành bầu cử; về không khí ngày bầu cử, diễn biến, tiến độ bầu cử ở các địa phương, tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia bỏ phiếu, sáng suốt trong việc thực hiện quyền bầu cử, không bỏ phiếu thay cho người khác.
TP Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh, TP đông dân nhất cả nước, trong đó có những đối tượng cử tri đặc thù như công nhân tại các khu công nghiệp, sinh viên tại các trường đại học, cộng đồng người Hoa, khách du lịch… Chủ tịch Ủy ban MTTQ  TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Năng cho biết: TP Hồ Chí Minh không có hệ thống truyền thanh loa phường, nên việc tuyên truyền chương trình hành động của người ứng cử sẽ được đưa về tận hộ gia đình bằng những tờ rơi, trong đó có ghi rõ tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động cụ thể của từng người ứng cử. Trên cơ sở bình đẳng, TP có định hướng tuyên truyền bầu cử phải đạt hiệu quả thiết thực. Quận thì tổ chức cho các ứng cử viên của HĐND quận; phường thì tổ chức tiếp xúc cho ứng cử viên HĐND cấp phường. Đặc biệt có  những cuộc tiếp xúc theo nhu cầu của từng giới, từng đối tượng.