Hướng tới “nhà báo đa phương tiện”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia, nhà báo đặt ra tại cuộc hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo, bồi dưỡng báo chí – tuyền thông ở Việt Nam hiện nay” vừa được Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Bắt kịp xu thế

Nhiều ý kiến cho rằng, trong xu hướng phát triển báo chí đa phương tiện ngày nay, đòi hỏi người làm báo phải chuyên nghiệp, có khả năng độc lập kết hợp ngôn ngữ viết, ảnh, video, âm thanh, thiết kế đồ họa và các phương thức tương tác khác nhằm sáng tạo ra một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ và bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm thay đổi thói quen đọc - nghe - nhìn của công chúng. Báo chí hiện đại cũng đặt ra những yêu cầu mới rất cao đối với sinh viên báo chí và nhà báo đang tác nghiệp trong thực tiễn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Hội Nhà báo Việt Nam) cũng cho rằng, dưới tác động của công nghệ thông tin, mạng xã hội đang phát triển, chưa bao giờ người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, đa dạng như hiện nay. Các chính trị gia thế giới và Việt Nam đã và đang sử dụng mạng xã hội rất hiệu quả để kết nối thông tin trực tiếp đến người dân… Ngày càng nhiều cơ quan báo chí đòi hỏi các nhà báo phải trưởng thành, nhà báo đa phương tiện, đa kỹ năng, biết tất cả các kỹ năng tác nghiệp. “Những năm tới chắc chắn báo chí Việt Nam sẽ thay đổi nên cần phải cấu trúc lại chương trình để đào tạo ra nguồn nhân lực hiệu quả cho các cơ quan truyền thông” - bà Hằng nhận định.

Thực tế, nhiều nhà báo cho rằng, hiện nay sinh viên ra trường còn thiếu tự tin, kiến thức và kỹ năng tác nghiệp còn chưa vững, chương trình đào tạo trong nhà trường còn nặng về lý thuyết và thiếu kỹ năng thực hành; chương trình thực tập chưa thật sự hiệu quả và chưa được đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí, mô hình nhà trường, lớp học chưa thực sự là một tòa soạn thu nhỏ, đội ngũ giảng viên có nhiều người chưa được cọ xát với thực tiễn và tác nghiệp thường xuyên. PGS.TS Nguyễn Văn Dững - Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định, công nghệ thay đổi làm cho khả năng kết nối của truyền thông phát triển theo cấp số nhân, nhưng báo chí lại chỉ có thể kết nối theo cấp số cộng, nên mất dần công chúng. Hiểu được điều đó, báo chí thế giới đang tìm cách thay đổi, nhưng báo chí trong nước vẫn luẩn quẩn “ao làng”...

Thay đổi từ đào tạo

 “Mạnh dạn cải cách xây dựng chương trình, mô hình đào tạo và phương pháp giảng dạy là đòi hỏi của các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông. Trước kia, ta đào tạo ra nhà báo “biết đánh trận trên giấy”, thì nay đào tạo nhà báo đa kỹ năng, là xu thế chung của thế giới” - PGS.TS Nguyễn Văn Dững đưa quan điểm.

Trong cuộc hội thảo, từ thực tế hoạt động báo chí, Đại tá Đoàn Xuân Bộ - Phó Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân cho rằng, để bắt nhịp được mô hình báo chí đa phương tiện, ngay từ khâu đào tạo, sinh viên báo chí ra trường phải làm được tất cả các loại hình báo chí. Nhưng một thực tế đáng lo ngại là sự hiểu biết toàn diện về văn hóa, chính trị của sinh viên báo chí còn nhiều vấn đề. Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, đọc thuộc nhiều câu trong truyện Kiều, còn sinh viên vừa ra trường giỏi lắm cũng chỉ thuộc vài ba câu nhưng cũng không chính xác.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng nêu quan điểm khi cho rằng, tòa soạn báo hiện nay còn không theo kịp được sự biến đổi của thực tiễn khi báo in, truyền hình đã ít người xem, thay vào đó mạng xã hội gần như thu hút toàn bộ bạn đọc. Buổi tối, các gia đình rất ít người xem ti vi và hầu hết đều tập trung vào chiếc điện thoại. Cơ quan truyền hình cũng đang rất lo lắng.

Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, báo chí đang chịu tác động lớn của truyền thông xã hội, dẫn tới việc ngoài đào tạo nhà báo sử dụng các kỹ năng trong tác nghiệp, còn có kỹ năng khai thác nguồn tin vô cùng phong phú trên môi trường internet. Các cơ sở đào tạo cũng cần xây dựng hệ thống chương trình đào tạo đa chiều, đa kỹ năng; xây dựng studio đa chức năng, đa phương tiện… nhằm đào tạo ra đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển của các phương tiện truyền thông hiện nay.
Trong cuộc hội thảo, một vấn đề cũng được đưa ra là đạo đức báo chí. Nhiều ý kiến tán thành, ngay từ khâu đào tạo cần chú ý tới vấn đề này, thậm chí nên đưa giáo dục về đạo đức vào ngành báo như giáo dục y đức trong ngành y. Những ví dụ điển hình như chuyện “cây chổi quét rau”, “cá bơi trong nước chết sau một phút”, hay một số nhà báo đang trở thành “đầu sai” của một nhóm người nào đó… có thể là những câu chuyện sinh động về đạo đức báo chí trong quá trình giảng dạy. PGS.TS Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thừa nhận, sinh viên thường thích học nhiều về kỹ năng nghề báo và rất sợ học lý luận hay đạo đức học. Việc sắp xếp các chương trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng cần phải thống nhất định hướng và xây dựng chương trình làm sao cho phù hợp nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần