Quản lý và sử dụng vỉa hè

Hướng tới tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ

Ths. KTS Lã Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang mong muốn lập lại trật tự vỉa hè. Tuy nhiên, việc giành lại vỉa hè mà Hà Nội đang thực hiện mới là những kết quả ban đầu.

Để những nỗ lực của chính quyền TP mang lại hiệu quả, thật sự trả lại vỉa hè cho người đi bộ, giữ được trật tự bền vững, mang lại lợi ích cho cả người dân và TP, cần phải có những giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc rễ từ cơ chế chính sách và đổi mới tư duy quản lý vỉa hè.

Bài 1: Cơ chế, chính sách quản lý chưa đầy đủ

Dù cơ quan quản lý đã có những quy định liên quan đến vỉa hè, nhưng chưa tạo sức bật để mang lại hiệu quả rõ nét. Chúng ta thường thấy hằng ngày là không phải lúc nào và ở đâu, hè phố cũng được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ. Thậm chí, người đi bộ chỉ được sử dụng phần hè phố còn lại sau các nhu cầu khác và đường dành cho người đi bộ thì chưa rõ thuộc mục tiêu quản lý của cấp ngành nào.

Bất cập từ chính sách

Thống kê sơ bộ kể từ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến nay, đã có thêm 4 nghị định của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) ban hành vào các năm: 2013, 2016, 2018, 2021; 4 thông tư của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) ban hành vào các năm: 2015, 2017, 2020, 2021; 3 văn bản hợp nhất (hướng dẫn thực hiện theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) do Bộ GTVT ban hành vào các năm: 2017, 2020, 2022; 1 thông tư của Bộ Xây dựng (số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009) về Hướng dẫn quản lý đường đô thị liên quan đến xây dựng, quản lý và sử dụng hè phố.

UBND TP Hà Nội đã ban hành 3 quyết định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, có liên quan trực tiếp đến quản lý và sử dụng hè phố vào các năm: 2013, 2015, 2018.

Tuy nhiên, hầu hết cơ chế chính sách quản lý hè phố mới đề cập đến mức độ quản lý thiết kế và quản lý sử dụng. Việc coi yếu tố hè phố là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu Nhà nước (đầu mối quản lý thuộc ngành GTVT và ngành xây dựng) rõ ràng là chưa đầy đủ và chưa mang lại hiệu quả quản lý.

Ngoài diện tích kinh doanh của các cửa hàng, vỉa hè cần bảo đảm cho người đi bộ có không gian an toàn lưu thông. Ảnh: Công Hùng
Ngoài diện tích kinh doanh của các cửa hàng, vỉa hè cần bảo đảm cho người đi bộ có không gian an toàn lưu thông. Ảnh: Công Hùng

Đặc biệt, tại các quận trung tâm TP, thể hiện rõ nhất là chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của “người đi bộ” và những hướng dẫn, chỉ báo cụ thể về “đường dành cho người đi bộ” trên các loại hình hè phố.

Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường (tại Điều 2 Quyết định số 20/2008/QĐ-UBND ngày 16/4/2008 của UBND TP Hà Nội) đề rõ 3 nguyên tắc cơ bản: hè phố là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước; hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; khi sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông phải được phép của cơ quan Nhà nước.

Thế nhưng trên thực tiễn, việc sử dụng hè phố hằng ngày lại là các tổ chức và cá nhân sử dụng vào nhiều chức năng khác ngoài mục đích giao thông, như: trồng cây xanh; bố trí trạm điện, đường dây, đường ống kỹ thuật; chỗ để phương tiện và kinh doanh buôn bán…

Do vậy, nó luôn hàm chứa các quy phạm xã hội khá phức tạp và không dễ áp dụng các chế tài như đối với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị khác thuộc sở hữu của Nhà nước.

Đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: quy định cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông; sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe; cấp giấy phép đào hè phố, lòng đường,… chưa phù hợp và nhất quán với mục tiêu tạo thuận lợi cho người đi bộ; lực lượng quản lý tại UBND quận, huyện, phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, dẫn đến hoạt động theo phong trào như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thực tế này đặt ra câu hỏi yếu tố nào chưa mang lại hiệu quả quản lý và sự cần thiết phải thay đổi về tư duy quản lý để bắt kịp thực tiễn. Ngoài các yếu tố kỹ thuật công trình hạ tầng kỹ thuật (ngầm và nổi) trong phạm vi hè phố được đầu tư chung, thì các thiết kế hè phố sẽ quy định và hướng dẫn các hoạt động xã hội của các tổ chức, cá nhân như thế nào, thông qua các chỉ tiêu gì là những nội dung cần được xem xét kỹ ở cả khía cạnh thực tiễn, pháp lý và phương pháp luận tư duy quản lý.

Quản lý hè phố cần chuyển từ bề mặt sang chiều sâu

Việc đặt vấn đề tại sao phải quản lý hè phố liên quan đến “người đi bộ” và “đường dành cho người đi bộ” là quan trọng, bởi nó giúp xác định rõ mối quan hệ, chức trách quản lý Nhà nước đa ngành chứ không chỉ thuộc vào ngành giao thông vận tải và ngành xây dựng.

Trước hết, quản lý hè phố giúp bảo đảm an ninh và trật tự công cộng, ngăn chặn các hành vi phạm pháp, xả rác bừa bãi, gây rối trật tự, và bảo đảm an toàn cho người đi bộ và mọi người tham gia giao thông.

 

Việc coi yếu tố vỉa hè chỉ là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu Nhà nước (đầu mối quản lý Nhà nước thuộc ngành giao thông vận tải) rõ ràng là chưa đầy đủ và chưa mang lại hiệu quả quản lý, đặc biệt tại các quận trung tâm thuộc TP lớn như Hà Nội. Điều này thể hiện rõ nhất là chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của “người đi bộ” và các hướng dẫn, chỉ báo cụ thể về “đường dành cho người đi bộ” trên các loại hình hè phố.

 

Trên hè phố có thể áp dụng hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông thông minh, thiết lập các làn đường ưu tiên cho phương tiện công cộng hoặc tổ chức lại lưu thông trên các con đường chính. Do đó quản lý hè phố còn giúp quản lý được các luồng giao thông, giảm bớt ách tắc và giữ cho việc di chuyển thuận lợi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, quản lý hè phố tốt sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn, thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Các hoạt động thu hút du khách từ các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn, triển lãm, diễu hành, lễ hội và sự kiện khác trên hè phố có thể tạo ra cơ hội kinh doanh cho các cá nhân, hộ gia đình và DN.

Việc duy trì vệ sinh, quản lý rác thải, bảo vệ cảnh quan và cung cấp các tiện ích công cộng như ghế ngồi, bãi đỗ xe… góp phần tạo ra một môi trường sống thoải mái và hài hòa.

Quản lý hè phố còn hàm chứa các quy phạm về văn hóa - xã hội, tạo ra cơ hội cho mọi người trong cộng đồng gặp gỡ, giao lưu và tạo sự gắn kết. Quản lý hè phố có thể bao gồm việc bảo đảm sự sắp xếp hợp lý của hè phố, không để chiếm dụng trái phép không gian công cộng, bảo đảm sự an toàn và tiện nghi cho người đi bộ.

UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 quyết định về quản lý, khai thác và bảo trì hè phố và 1 quyết định về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”.

Có quy định về sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa đối với một số công trình, tuyến phố đặc thù, nhưng lại chưa quy định thế nào là các công trình, tuyến phố đặc thù.

Nội dung quản lý Nhà nước cũng chưa bao quát đầy đủ cả 2 giai đoạn cơ bản của quản lý gồm: quản lý quá trình lập các quy hoạch, thiết kế hè phố; quản lý thực hiện theo quy hoạch, thiết kế hè phố, để chuyển hóa từ “quản lý bề mặt – hè phố” sang “quản lý chiều sâu - hoạt động trên hè phố”.

Điều rõ ràng và dễ nhận thấy, giống như nhiều TP tại các quốc gia đang phát triển, những phần quan trọng đã được xây dựng và sử dụng trong phạm vi hè phố, vào nhiều thời điểm, đã không (hoặc ít) ưu tiên dành cho người đi bộ. Có nhiều lý do được nêu trong bối cảnh mức độ quan tâm ưu tiên hơn về quản lý các nguồn thu, chi hơn.

Do đó, việc đổi mới tư duy quản lý phải bắt đầu từ mục tiêu quản lý theo mức độ ưu tiên là rà soát, đánh giá và sắp xếp lại hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị để tạo thuận lợi cho người đi bộ (trước các nhu cầu khác) và cần được coi là sự cam kết chính thức của chính quyền đối với người dân và nhà đầu tư.
(Còn nữa)