Hướng tới Tết Vu Lan: Tại sao lại có tên hoa dâm bụt?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoa tên là Dâm bụt là phiên âm Hán – Việt tiếng Phạm là Jambu/Jum bu, tiếng Pali cũng vậy: Jum bu. Khi để chỉ vùng đất có cây Jum bu thì người ta chuyển thành Jam bu – dvipa (Phạm), Jam bu- dipa (Pa li).

 Hoa tên là Dâm bụt là phiên âm Hán – Việt

Loài hoa này vốn ở Ấn Độ, theo Phật giáo Bắc phương mà lan tỏa. Trung Hoa cổ xưa có nhiều cách chuyển ngữ để gọi tên loài hoa này.

-Chuyển phiên âm Phạm – Hán: Diêm phù, Diêm phù, Thiềm bộ, Thiệm bộ, Nhiễm phù, Tiềm mô. Các từ có chữ “thụ” kèm theo là từ ghép cố định để chỉ loài cây.

Ở đây ta thấy âm tiết Jam/Jum đã chuyển thành Diêm, Diệm, Thiềm, Nhiễm, Tiềm. Âm tiết Bu hoặc Bu-d (đọc nối âm trong từ Jambu – dvipa) được chuyển thành âm Phù, Bô, Mô.

Tên khoa học của nó là Eugenia jampulana.

-Một phần phiên âm một phần dịch nghĩa: Ví dụ như Phật tang, Phù tang... Ở đây, người ta dùng âm Phù hay Phật để phiên âm Bu hay Bu-d, còn Tang chữ Hán là loài cây dâu.

-Hán nghĩa hoàn toàn: đó là cây Mộc cận/cẩn, Chu cận/cẩn. Chữ Mộc mang nghĩa là cây. Chữ Chu có nghĩa là đỏ. Chữ cận/cẩn là để chỉ một loài hoa tương ứng có ở Trung Hoa.

Các từ điển đối ngữ đều dịch các tên hoa trên đây sang tiếng Việt là Dâm bụt.

Trong Phật quang đại từ điển, các mục viết liên quan đến loài hoa Dâm bụt này ta thấy:

-Mục Diêm phù đề viết: “Phạm: Jambu-dvipa, Pali: Jambu-dipa. Cũng gọi Diêm phù đề. Thiệm bồ đề, Diêm phù đề tì ba, Diêm phù, Phạm: Jambu là tên cây; đề, Phạm: dvipa, là châu. Dịch cả Phạm Hán thì gọi là Diêm phù châu, Thiệm bộ châu, Thiềm phú châu. Gọi tắt là Diêm phù… Châu này là châu phương nam trong bốn đại châu Tu di cho nên cũng gọi là Nam diêm phù đề…”.

-Mục Diêm phù đàn kim viết: “Phạm: Jambunada-suvarna. Ý nói loại vàng được sản xuất từ từ dòng sông Na đa (nada, đàn) chảy qua rừng cây Diêm phù (Jambu)…”.

-Đặc biệt mục Diêm phù thụ viết: “Diêm phù, Phạm; Pali: Jumbu cũng gọi là Thiêm phù thụ, Thiệm bộ thụ…, gọi tắt Diêm phù. Tên khoa học là Eugenia jambulana. Thuộc loại cây cao lá rụng. Vốn sinh ở Ấn Độ, nở hoa, kết trái vào khoảng tháng 4, tháng 5, quả mầu tía đậm, vị hơi chua, hột có thể dùng làm thuốc…”.

Trong tiếng Việt để chỉ loại cây này có các từ như: Dâm bụt, Râm bụt, Bông bụt, Bồng bụt, Bông bụp, Dâu bụt, Dâng bụt…

Trong đó phải nói tên Dâm bụt là phổ dụng hơn cả. Cũng vì thế nó là khởi nguồn cho những ý kiến bàn bạc về tên hoa này nên như thế nào. Các từ điển như Tự điển Việt Nam của nhóm Khai trí Tiến đức, Từ điển Việt Hán, Từ điển tiếng Việt thông dụng lựa chọn cách ghi Dâm bụt.

Tên Râm bụt cũng được nhiều người ghi, chủ yếu là để tránh chữ Dâm vốn có nghĩa xấu, không hợp với nhà Phật, với Bụt. Nhưng khi phát âm, người Bắc bộ nói chung vẫn gọi là Dâm bụt.

Tên Bông bụt hay Bồng bụt chủ yếu được nói năng từ Nghệ Tĩnh trở vào phía nam. Bông có nghĩa là hoa trong từ ghép “bông hoa”. Chữ Bông bụt này đã được các từ điển ở Nam bộ như Việt Pháp từ điển của Trương Vĩnh Ký,  Đại Nam quấc âm tự vị của Huình - Tịnh Paulus Của ghi nhận (mục từ Bông).

Tên Bồng bụt hay Bông bụp là từ địa phương. Ít phổ biến.

Tên Dâu bụt chắc là lấy loài dâu có lá cành khá giống với Dâm bụt để gọi, tránh được chữ “dâm” và cũng có thể  là ai đó đã chuyển dịch từ hai chữ Phật tang âm Hán – Việt (Phật = Bụt, Tang = Dâu). Ít phổ biến.

Tên Dâng bụt dù khá gần âm với Dâm bụt nhưng về ngữ âm khó chuyển đổi. Vả lại nó cũng chỉ là ý kiến đề xuất của cá nhân trong bàn luận chứ dân dã không dùng.

Xem những tên hoa được trích ra ở trên, chúng ta thấy rằng, vốn các từ Jambu, Jumbu, đất Jambu-dvia, nghĩa của nó không liên quan gì trực tiếp đến Đức Phật cả. Vậy tại sao nó lại mang nghĩa Phật?

Vấn đề ở chỗ, thứ nhất, Hán cổ đã dùng âm “phù” để phiên âm tên Đức Phật: Buddha trong tiếng Phạm và Pali vốn đã được phiên thành các chữ là Phù đà, Phù đồ, Phù đầu… trước cả khi phiên là Phật, Phật đà. Ấn tượng mạnh mẽ về Đức Phật, về Phật giáo đã khiến người ta liên hội âm Phù trong Diêm phù đề với biểu tượng Phật. Thứ hai, loài cây hoa này xuất phát từ cõi Diêm phù đề, một trong bốn đại địa của Ấn Độ quanh núi Tu di nên ấn tượng nghĩa đó càng mạnh mẽ. Thế là từ đó, ta thấy sự chuyển tự khẳng định ngữ nghĩa của nó từ Phù tang sang Phật tang (cây dâu nhà Phật). Đến lúc này thì ý nghĩa về nhà Phật, Đức Phật đã hoàn toàn ấn định.

Chữ Bụt của tiếng Việt cũng vốn là một cổ Hán ngữ của chữ Phật, cho nên ý nghĩa về loài hoa này gắn với nhà Phật là sự tiếp biến tự nhiên.

Nhưng bây giờ xem lại ta lại thấy giữa Jam/Jum => Dâm, giữa Bu/ Bu-d (nối âm) => Bụt thì quả là gần gũi về ngữ âm hơn các cách phiên Hán tự đọc theo âm Hán-Việt trước đây. Chắc nó là một lưu tích ở Hán-Việt cách phát âm cổ hơn. Nói tóm lại, chúng ta có cách chuyển ngữ từ Phạm sang Việt trung đại:  JAMBU/JAMBU-D => DÂM BỤT.

Mặc dù gọi là Dâm bụt nhưng chữ “dâm” vốn không mang nghĩa dâm ô, chữ “bụt” vốn cũng không mang nghĩa Đức Phật.

Viết đến đây, tôi lại nhớ bài thơ của Ức Trai Nguyễn Trãi trong phần Hoa mộc môn:

Mộc cận (Dâm bụt)

Ánh nước hoa in một sắc hồng

Vẩn nhơ chẳng bén bụt là lòng

Chiều mai nở chiều hôm rụng

Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.

Bài thơ nằm trong truyền thống hiểu “Bụt” trong Dâm bụt là nhà Phật nhưng là của nhà Nho làm. Dù hoa thường trồng bên bờ ao, bóng hoa in xuống nước, nhưng vẫn giữ màu hồng tinh khôi của nó, không hề bén chút vẩn nhơ. Nó không chút vẩn nhơ vì đã đạt được cái tâm Phật (Phất tức thị tâm, tâm tức thị Phật). Hai chữ “chiều” trong văn bản không phải là “buổi chiều” như ta thường nghĩ. Nó là một từ chỉ một trạng thái thời gian, không gian, tâm trạng, sự việc mà tính xác định là không hoàn toàn cụ thể. Có chiều phong vận, có chiều thanh tân (Nguyễn Du), Người xuống ngựa, khách dừng chèo/Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty (Phan Huy Ích). Ở đây ta phải hiểu là: Chừng mai nở chừng hôm rụng, nghĩa là ban mai thì nở mà chiều hôm đã rụng. Sự vô thường của cuộc đời ngắn ngủi. Đến đây ta có thể liên hệ với hai câu thơ trong bài Cận hoa của Thôi Đạo Dung thời vãn Đường:

Cận hoa bất kiến tịch

Nhất nhật nhất hồi tân

(Đừng ngắm Dâm bụt vào chiều tối/ Mỗi ngày nó lại nở vào buổi mới)

Nhưng Thôi Đạo Dung không mở hướng thơ theo triết lý thiền. Nguyễn Trãi thì khác: Sự lạ cho hay tuyệt sắc không, tức là sự đẹp đẽ kia cho ta thấy đã đạt đến tột cùng cái lý sắc sắc không không.

Nhưng chưa hết, ba chữ “tuyệt sắc không” còn hàm cái ý là: chỉ có sắc mà thôi. Đúng vậy, Dâm bụt quả là chỉ có sắc mà không có hương. Một chút chơi thơ mỉm cười tinh tế của cụ Ức Trai. Chúng ta lại nhớ câu thơ của Ngô Thì Nhậm cũng viết về hoa Dâm bụt:

Tố chất vô hương thùy dữ đố

Hồng nhan bất mị cánh kham liên.

(Vốn không có hương nên không ai đố kỵ

Má hồng mà không khêu gợi nên lại càng thương).

Cái sự tên hoa Dâm bụt theo tôi là vậy.