Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiếp tục thực hiện tốt Luật phòng cháy chữa cháy, nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), các địa phương tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”.

Ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy", đã huy động được đông đảo nhân dân tham gia các hoạt động PCCC và trở thành ngày hội PCCC. Hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy" năm nay, các địa phương trên cả nước đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

Trong đó, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC” tại TP Vĩnh Long; đồng thời, tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm như tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC bằng nhiều hình thức, nhất là các biện pháp, kinh nghiệm PCCC có hiệu quả.

 
Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” Ảnh minh họa.
Hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” Ảnh minh họa.
Tổ chức các hoạt động thiết thực, khích lệ phong trào toàn dân tham gia PCCC; có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng điện, gas, xăng dầu, đặc biệt thiết bị sinh nhiệt, thiết bị công nghệ sản xuất; phát hiện và kịp thời khắc phục những tồn tại, thiếu sót, bất cập trong công tác PCCC tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, địa bàn quản lý; củng cố, thành lập đội PCCC cơ sở, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ phù hợp quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước theo quy định; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người, di chuyển tài sản trong tình huống cháy, nổ xảy ra.

Tại tỉnh Kon Tum, các sở, ban, ngành cũng đã lên kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC trong phạm vi đơn vị, địa phương quản lý; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy ở các địa bàn, cơ sở có nhiều hàng hoá, vật tư dễ cháy, nổ (như: chợ, trung tâm thương mại, nơi kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, nơi tập trung đông dân cư, các nhà cao tầng, nơi có nhiều tài sản, tài liệu...); rà soát, củng cố, đầu tư trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC để chủ động xử lý khi có cháy, nổ xảy ra; củng cố, kiện toàn hoạt động hoặc xây dựng mới các Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở của đơn vị, địa phương mình theo quy định của Luật PCCC.

Công an tỉnh Bắc Giang đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân tham gia PCCC nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, hiểu biết về PCCC trong toàn xã hội; treo pa-nô, áp phích, khẩu hiệu hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” ở nơi công cộng, cổng các cơ quan, doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình; khi tiến hành cần đặc biệt chú trọng đến các biện pháp quản lý chất cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, chú ý các thiết bị tiêu thụ điện phải được đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức lực lượng, tình hình hoạt động của lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở cũng như việc tuần tra, canh gác bảo vệ trong thời điểm ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ban đêm; quan tâm tình trạng hoạt động của các loại phương tiện PCCC, phương án chữa cháy tại chỗ,… Qua đó, chấn chỉnh ngay việc không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn PCCC, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định về PCCC…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần