Hút nguồn lực đầu tư cho hạ tầng cảng hàng không

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ tầng cảng hàng không được đánh giá vẫn còn nhiều dư địa để đầu tư. Tuy nhiên, làm cách nào để thu hút và huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này vẫn là một câu hỏi không dễ trả lời.

Dư địa đầu tư hạ tầng cảng hàng không nước ta còn rất lớn.
Dư địa đầu tư hạ tầng cảng hàng không nước ta còn rất lớn.

Dư địa còn rất lớn

Trong những năm qua, hạ tầng cảng hàng không nước ta đã được cải thiện khá nhiều nhờ những dự án đầu tư xây dựng có giá trị lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hạ tầng cảng hàng không hiện vẫn đang còn yếu và thiếu rất nhiều. Nhu cầu vốn đầu tư để nâng cấp cũng như nâng tầm cho lĩnh vực này đang rất lớn.

Trong buổi tọa đàm “Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm" vừa được tổ chức, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 theo quy hoạch là khoảng 403.106 tỉ đồng. Trong khi đó, ACV mới chỉ cân đối được khoảng 265.150 tỉ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỉ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỉ đồng.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng. Điều này khiến cho ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 cảng hàng không do đơn vị này đang quản lý, khai thác.

Để giải quyết bài toán trên, trước mắt, ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho những dự án trọng điểm như: sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo... Còn về dài hạn, ACV khẳng định việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là rất cần thiết.

 

“Để đầu tư một sân bay, để hòa vốn là rất lâu. Thời gian đề án 46 năm là khoảng thời gian cân bằng để hòa vốn, không thể trong vài ba năm là hòa vốn được. Phải xác định đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay là lâu dài và là định hướng là sự phát triển chung” - Giám đốc Cảng HKQT Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu

Việc huy động nguồn vốn đầu tư vào phát triển hạ tầng cảng hàng không sẽ giúp giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng quá tải ở một số cảng hàng không; đồng thời, sẽ giúp nhiều cảng hàng không nâng cao năng lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng cao ở nhiều địa phương.

Một trong những sự kiện được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua là việc có nhiều địa phương đề xuất quy hoạch cảng hàng không, sân bay chuyên dùng. Bỏ qua câu chuyện muốn có sân bay theo... phong trào thì dưới góc nhìn kinh tế có thể thấy, nhu cầu có sân bay rất lớn của các địa phương đồng nghĩa với việc sẽ cần thêm nhiều nguồn lực nữa để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới.

Giới chuyên môn nhận định, hạ tầng hàng không, trong đó có hạ tầng cảng hàng không luôn là lĩnh vực hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, với đặc thù riêng là cần vốn lớn và thời gian hoàn vốn kéo dài nên đây cũng là lĩnh vực khắc nghiệt và có sự kén chọn nhà đầu tư rất cao. Đặc biệt với hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng cảng hàng không, cả địa phương và nhà đầu tư đều cần nghiên cứu kỹ.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng cảng hàng không, cả địa phương và nhà đầu tư đều cần nghiên cứu kỹ.

Cần nghiên cứu kỹ để đầu tư phù hợp

Ông Phạm Văn Hảo – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Cục đã nhận được khoảng 10 kiến nghị, đề xuất của UBND các tỉnh về xã hội hóa cảng hàng không, sân bay.

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Hảo, trong bối cảnh đầu tư cảng hàng không cần một thời gian dài để thu hồi vốn mà vẫn có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này như vậy là một tín hiệu đáng mừng.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, để xây dựng một sân bay không chỉ cần có quỹ đất lớn mà còn có nhiều yếu tố khác. “Quy hoạch cảng hàng không, sân bay có 6 tiêu chí lớn với gần 30 tiêu chí. Để đáp ứng 30 tiêu chí này, phải cân nhắc rất kỹ càng, kỹ lưỡng mới dám đặt nền móng cho cảng hàng không, sân bay” – ông Phạm Văn Hảo nói và cho biết thêm, ngoài ra, còn phải nghiên cứu về phương thức hạ cánh, cất cánh thế nào. Thậm chí, phải nghiên cứu hướng gió, khí hậu, thời tiết trong 5 - 10 năm, có khi là vài chục năm để có một đường bay ổn định.

 

“Nhà đầu tư cần khảo sát kỹ, phải đánh giá, nhìn nhận bằng con mắt doanh nghiệp, chứ bằng con mắt nhà tài trợ, đến làm đẹp lòng để đầu tư thì cần xem lại. Đầu tư một sân bay, tuổi đời thu hồi vốn của sân bay dài. Khi quy hoạch rồi, các tỉnh quyết liệt, mà nhà đầu tư không đầu tư nữa thì lại thành quy hoạch treo, là lãng phí. Sai lầm nối tiếp sai lầm” - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Lê Đỗ Mười

Theo ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, dự thảo kết quả quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ có 14 cảng hàng không quốc tế, gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 14 cảng hàng không quốc nội, gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Ông Phạm Hoài Chung nhấn mạnh, định hướng đầu tư cảng hàng không trong thời gian tới phải đảm bảo các tiêu chí như phù hợp với quy hoạch; phù hợp với chủ trương, định hướng xã hội hóa. Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, nhưng trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư sớm hơn .

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định, hạ tầng giao thông hiện đại, trong đó có hàng không có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cũng như khai thác hết tiềm năng của địa phương, vùng, miền. Tuy nhiên, việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không.

“Hiện, nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước trung ương cho lĩnh vực giao thông, cho phát triển kết cấu hạ tầng hàng không có hạn. Chính phủ chỉ tập trung vào công trình quan trọng như đường cất hạ cánh. Để phát triển cảng hàng không cần xã hội hoá, huy động nguồn lực đầu tư” – Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

 

Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không phân loại 21 sân bay hiện hữu do ACV quản lý thành 5 nhóm. Nhóm 1 là các cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 25 triệu hành khách/năm (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Long Thành, Tân Sơn Nhất); Nhóm 2 là các sân bay có hoạt động quân sự, huấn luyện quân sự thường xuyên, tài sản và đất đai khu bay do Bộ Quốc phòng quản lý (Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa).

Nhóm 3 là các cảng hàng không ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm (Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo); Nhóm 4 là các sân bay có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư, không có hoạt động quân sự thường xuyên (Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương, Cần Thơ); Nhóm 5 là các cảng hàng không mới như: Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các cảng hàng không tiềm năng như: Cao Bằng, Hải Phòng (Tiên Lãng), cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô.