Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hút vốn đầu tư ngoài ngân sách

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải thiện môi trường kinh doanh với những việc làm thiết thực, năm 2016, Hà Nội đã đạt những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư.

Bước sang năm 2017, TP tiếp tục có những giải pháp trọng tâm, trọng điểm về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), giảm thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng xuống còn 2 ngày, xây dựng nền hành chính công phục vụ, đồng hành cùng DN... 
Kết quả khả quan
Năm 2016, sau nhiều năm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội trở lại ngôi vị quán quân với tổng vốn đạt hơn 3.09 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2015, vượt hơn 200% kế hoạch đề ra. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng vốn) đạt 2.675 triệu USD; Chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế cho 227 trường hợp với tổng vốn đăng ký đạt 421,3 triệu USD. Kết quả hoạt động đầu tư, kinh doanh khối DN FDI với số vốn thực hiện đạt khoảng 1,12 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015, doanh thu ước đạt 344.921 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch XK đạt 5,71 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 49,8% tổng kim ngạch XK trên địa bàn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Khối DN FDI chiếm tỷ trọng XK cao nhất trong 3 thành phần kinh tế (kinh tế Nhà nước chiếm 30,8%, kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 19,8%) và duy trì mức ổn định tăng trưởng; Nộp ngân sách ước thực hiện 18.418 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 13,7% tổng thu ngân sách TP.

Doanh nghiệp làm thủ tục Đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Có được kết quả nêu trên là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án FDI, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác định hướng, thu hút đầu tư, cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư... Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng về giá trị vốn đầu tư đăng ký mới, các DN đã được cấp phép cũng có kết quả thực hiện dự án tương đối tốt. Kết quả thực hiện giải ngân vốn và chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, đóng góp của khối DN FDI đều có sự tăng trưởng, điều này cho thấy niềm tin vào thị trường và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như khẳng định thêm sự đóng góp và gắn kết của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư của Hà Nội.
Tập trung vào dự án trọng điểm
Với những kết quả đạt được, trong năm 2017, Sở KH&ĐT tham mưu đề xuất những chính sách tập trung đầu tư vào các dự án lớn, với số vốn đầu tư khoảng 2,5 - 3 tỷ USD. Dự kiến trong tháng 1/2017, cấp mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn mua cổ phần cho một số dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 677 triệu USD gồm: Dự án đốt rác phát điện AIC 160 triệu USD, Dự án Coca Cola Việt Nam 320 triệu USD, Dự án mua cổ phần trong Công ty CP Hàng không Vietjet 120 triệu USD, Dự án Park City 45 triệu USD, Dự án Tòa tháp Thiên niên kỷ 32 triệu USD...
Triển khai kế hoạch trong năm 2017, quan điểm chung của TP là ngân sách chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung, trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những dự án mang tính đặc thù. Đối với lĩnh vực khác, TP ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch trong các lĩnh vực thông qua kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa theo nhiều hình thức: Đầu tư trực tiếp nước ngoài và hợp tác công - tư (PPP). Trong đó, TP định hướng thu hút FDI chọn lọc các dự án chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng có tính cạnh tranh từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia; Khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, CNTT, phát triển nông nghiệp, thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường...
Một số dự án hạ tầng lớn giới thiệu kêu gọi đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội: Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ Ga Hà Nội - Hoàng Mai; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn từ Văn Cao - An Khánh; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn từ trung tâm TP đi sân bay quốc tế Nội Bài.