Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huy động 145 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực hiện chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến nay các ngân hàng thương mại đã tự nguyện tham gia với số vốn tăng từ 120 nghìn tỷ đồng lên 145 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lãi suất giảm khoảng từ 1,5-2% so với lại lãi suất thông thường 3 năm với người có thu nhập thấp.

Sáng 11/11, chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Quốc hội đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn.

Quang cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 11/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 11/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Giải pháp hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà?

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) đề nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.  

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, chương trình đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là chủ trương lớn rất nhân văn. Đây là chủ trương giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, do đó, phải được huy động từ rất nhiều nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

Để hưởng ứng chương trình này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ đưa vào Nghị quyết số 33/NQ-CP là các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra một gói 120 nghìn tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 145 nghìn tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) - Ảnh: Quochoi.vn

Theo chương trình này, vốn do các ngân hàng huy động từ người dân và lãi suất giảm khoảng từ 1,5 - 2% so với lại mức lãi suất thông thường 3 năm đối với người có thu nhập thấp và 5 năm đối chủ đầu tư.

Quan tâm đến nhà ở cho người thu nhập thấp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển hiện nay - đặc biệt là cho người thu nhập thấp mua được nhà ở xã hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân đối cung - cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn sáng 11/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn sáng 11/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Qua đó, góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản.

Liên quan đến các thông tư cho vay của Chính phủ hiện đã dừng và chưa thực hiện; còn việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi theo hướng đảm bảo thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản.

Về nguồn lực đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, nguồn lực chủ yếu đối với nhà ở cho người thu nhập thấp là từ ngân sách Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất gói 120 nghìn tỷ đồng và sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: Quochoi.vn

Hỗ trợ tích cực đối tượng yếu thế, doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với quy mô không quá 40 nghìn tỉ đồng, giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) nêu vấn đề, 5 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó mục tiêu là đẩy mạnh áp dụng công nghệ để mọi tầng lớp trong xã hội (nhất là người thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã) được tiếp cận nguồn vốn một cách thuận tiện với chi phí rẻ hơn so với kênh ngân hàng và tín dụng hiện nay. 

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên) - Ảnh: Quochoi.vn

Đối với những đối tượng thuộc nhóm cho vay hỗ trợ nhà ở, đất ở của các chương trình mục tiêu quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì tham mưu ban hành các nghị định liên quan và khi được bố trí nguồn thì các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai thực hiện Chương trình. Đại biểu đặt câu hỏi, qua thời gian nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp gì để thúc đẩy việc ban hành, xây dựng cơ chế thử nghiệm để thực hiện Chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn - Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với chiến lược tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đầu mối để ban hành Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Trong đó, nhấn mạnh nội dung về các đối tượng yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng khó khăn đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu của Chiến lược này là giúp người dân ở khắp mọi miền tổ quốc có khả năng tiếp cận tài chính với chi phí hợp lý.

Triển khai Chiến lược này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản chỉ đạo. "Trong thực tế, kết quả triển khai tương đối tích cực" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Đối với hoạt động ngân hàng, tất cả các kênh cung ứng dịch vụ của hệ thống ngân hàng đều có thể cung cấp trên các kênh số, kênh điện tử, cho phép các cá nhân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận, sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ, hoặc tiếp cận các khoản tín dụng từ hệ thống ngân hàng.