Huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội – Từ câu chuyện của Seoul và các địa phương

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/8, hội thảo “Huy động các sáng kiến xanh cho Hà Nội – Từ câu chuyện của Seoul đến các sáng kiến địa phương" được diễn ra nhằm chia sẻ các giải pháp cho mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng TP Hà Nội.

Hội thảo do Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&learn) và tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) tổ chức. 
Nằm trong khuôn khổ hoạt động của các dự án “Cam kết TP tham vọng” và “Không khí sạch, TP xanh”, với sự tham dự các chuyên gia quốc tế từ Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và đại diện của các đại sứ quán, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, hội thảo tập trung vào các lĩnh vực: Cải thiện chất lượng không khí; Quy hoạch đô thị - xây dựng; Sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững; Quy hoạch đô thị - giao thông; Quản lý chất thải.
 Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng TP, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. TP hiện đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu gây ra với tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng tăng, nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại, phố thành sông mỗi khi mưa lớn kéo dài.
“Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư về biến đổi khí hậu đang là những thách thức không nhỏ đối với thành phố Hà Nội”, ông Bùi Duy Cường chia sẻ.

Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội năm 2019 đã lên tới 8,05 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Toàn địa bàn TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp, trên 1300 làng nghề, 5,4 triệu xe gắn máy, và 550 ngàn xe ôtô, thành phố này mỗi ngày tiêu thụ ước tính trên 60 triệu Kwh điện, hàng triệu lít xăng dầu, gánh chịu 6500 tấn rác thải sinh hoạt…Đây chính là những nguồn chính phát thải gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Giáo sư Youngsoo Chol - Chuyên gia quốc tế , Nhóm tư vấn dự án toàn cầu của ACP phát biểu tại Hội thảo.
Trước tình hình đó, trong những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, được thể hiện bằng việc ban hành 2 kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vào năm 2012 và năm 2016.
Hiện nay, TP đang tiếp tục xây dựng và cập nhật Kế hoạch lần thứ 3 với mục tiêu chung là đưa ra các hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho TP Hà Nội.

Từ đó, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phòng tránh, giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực, trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có việc tham gia vào dự án “Cam kết TP tham vọng” từ tháng 10 năm 2017. Dự án này thực hiện với mục tiêu kêu gọi các TP lớn ở Đông Nam Á (bước đầu là 3 quốc gia: Philippines, Indonesia và Việt Nam) tham gia cam kết về việc “cắt giảm lượng khí thải nhà kính” và hỗ trợ các đô thị này nghiên cứu thành lập các chương trình hành động cụ thể. 
Đồng thời dự án này cũng mong muốn tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc ứng phó với BĐKH. Các mục tiêu trên cũng phù hợp với Dự án “Không khí sạch, thành phố xanh” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và do Live&Learn điều phối. Dự án này hướng tới một môi trường trong lành và khỏe mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam, trong đó bao gồm mục tiêu tăng cường hành động, thúc đẩy sáng kiến, giải pháp không khí sạch, TP xanh.
Tại hội thảo, Giáo sư Youngsoo Chol (Chuyên gia quốc tế , Nhóm tư vấn dự án toàn cầu của ACP) cho biết, ở Seoul để đối phó với Biến đổi khí hậu, ban đầu cũng không đơn giản. Ngay  việc thuyết phục hệ thống chính quyền thành phố và người dân thay đổi những thói quen sinh hoạt, sử dụng thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng, chống phát thải nhà kính là cả một quá trình bền bỉ và phải có những cơ chế, chính sách phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần