Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để giải quyết hàng tồn và kích hoạt tính thanh khoản trên thị trường bất động sản, mới đây, Bộ Xây dựng đã định hướng doanh nghiệp chuyển đổi sản phẩm, hướng đến đối tượng mua nhà để ở.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chuyển hướng hỗ trợ từ các chủ đầu tư mà trước đây chưa mang lại hiệu quả về phía người dân có nhu cầu mua nhà.

Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ - Ảnh 1

Thị trường bất động sản trầm lắng là do phát triển “nóng” phân khúc trung và cao cấp. Ảnh: Hải Linh

Hướng đến người tiêu dùng

Trong hội thảo "Gặp gỡ - Đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp ngành xây dựng - bất động sản (BĐS) khu vực Hà Nội" vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ tình trạng khó khăn của thị trường BĐS hiện nay do sự phát triển những dự án còn mang tính tự phát, chưa căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. Cùng với nạn đầu tư, nhà ở chủ yếu xoay vòng giữa các đầu mối chứ chưa đến tay người thực sự có nhu cầu. Do đó, thị trường BĐS cần hướng đến người tiêu dùng, nguồn cung phải phù hợp với nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, trên thị trường nhà ở những năm gần đây chủ yếu xây dựng các dự án trung và cao cấp, ngưỡng thu nhập của người dân hiện nay không đủ để mua nhà, ngay cả với mức giá 10 triệu đồng/m2 cũng khó với tới. Thế nên, dù có ở mức thu nhập bình quân đầu người 70 triệu đồng/năm, thì cũng phải mất 20 năm tích góp, không chi tiêu gì mới đủ mua một căn nhà giá 1,5 - 2 tỷ đồng.

Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: Hỗ trợ trực tiếp phía người mua là rất cần thiết, bởi trong suốt thời gian qua, chính sách tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, chủ đầu tư chưa mấy hiệu quả, nguồn tiền không những không vận hành vào thị trường mà còn quay ngược trở ra. Hơn nữa, sau hai năm vật lộn, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về tài chính nên lượng vốn mới chưa được giải ngân đã đến hạn phải trả ngân hàng, lượng tiền vận hành vào thị trường nhỏ hơn lượng tiền đến hạn thanh toán. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần nới lỏng hoạt động ngân hàng cho BĐS và hình thành các quỹ tín dụng, quỹ tiết kiệm nhà ở phục vụ doanh nghiệp và chính người dân có nhu cầu mua nhà.

Hỗ trợ bằng nhiều chính sách

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình hình BĐS vẫn chưa hết khó khăn, việc nới lỏng van tín dụng, giảm lãi suất vay là yếu tố tiên quyết vực lại sức mua khi khả năng tài chính còn hạn chế. Và thực tế cho thấy, nếu không có chính sách hỗ trợ vay vốn của ngân hàng, đa phần người có nhu cầu thực, hiện chưa thể mua nổi nhà. Song, không vì thế mà các ngân hàng cho vay dễ dãi, ồ ạt mà cần có sự lựa chọn, sàng lọc.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Vũ Viết Mạnh khẳng định: Ngân hàng đã đề xuất với Chính phủ hoãn nợ hoặc giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng đã cho phép các tổ chức tín dụng chuyển 30% vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn và sẽ cùng với Bộ Xây dựng tiếp tục hỗ trợ những dự án đầu tư, dành vốn cho những người thật sự có nhu cầu mua nhà để kích cầu.

Song song với việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất của các ngân hàng, Chính phủ cũng cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người mua ví như hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà lần đầu... Về vấn đề hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Bộ đang nghiên cứu xây dựng một cơ chế hỗ trợ lãi suất mua nhà hoặc thuê nhà, đặc biệt là hộ nghèo. Tuy nhiên, để thực hiện thành công cần có sự góp sức của Ngân hàng Nhà nước và các địa phương. Với nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội sẽ có một cơ chế hỗ trợ chứ không chỉ dừng ở lãi suất.

Ngày 25/10, trong cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng quyết định về thành lập Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở nhằm tạo nguồn tài chính cho các hộ gia đình, cá nhân vay để thuê mua nhà ở trong đó đặc biệt ưu tiên nhà ở xã hội. Nguồn vốn để hình thành quỹ được huy động đa dạng từ ngân sách Nhà nước, tiền huy động người tham gia đóng quỹ, vốn vay Bảo hiểm xã hội... Trước mắt, thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TP. HCM với nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận, nhưng đảm bảo được khả năng thanh toán.