Tọa đàm “Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị - hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và phát triển”:

Huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/12, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị - hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và phát triển” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm.

Cuộc tọa đàm đã làm rõ thêm ý nghĩa, mục tiêu, giải pháp được đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ TP Hà Nội và các vấn đề trong thực tiễn. Đồng thời, tập trung đề xuất các ý kiến để làm sâu sắc hơn giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển văn hóa Thủ đô; chuyển đổi số, xây dựng thể chế, truyền thông chính sách…

Các chuyên gia, nhà khoa học trực tiếp trao đổi tại tọa đàm gồm: PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; KTS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; TS Nguyễn Sỹ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nhà báo Hồ Quang Lợi  - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự Tọa đàm. 
Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự Tọa đàm. 

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết: Kể từ năm 1975 đến nay, đối với Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành 5 Nghị quyết về vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TW với tầm nhìn mới, tư duy mới và nhất là tâm thế phát triển mới để Thủ đô Hà Nội tích hợp được những cơ hội, thuận lợi từ tình hình quốc tế, khu vực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để phát triển Thủ đô Hà Nội như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, đã đưa ra 4 nhóm quan điểm; tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Thủ đô; 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới; “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã triển khai một số nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương của TP nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội và cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có tính khả thi cao để quyết tâm đưa Nghị quyết số 15-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại Tọa đàm. 
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại Tọa đàm. 

Tổng Biên tập Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, để có thêm kênh thông tin từ các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến vào quá trình tuyên truyền, triển khai Nghị quyết, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị - hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại".

Tại cuộc tạo đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phân tích thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp, tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới; nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; tập trung phát triển văn hóa Hà Nội; thúc đẩy các cơ chế đặc thù, phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của Hà Nội...

Có chiến lược để khai thác hết tiềm lực

Liên quan đến điểm mới được xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW về đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển Thủ đô, GS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phân tích những mục tiêu tổng quát và cụ thể cho từng giai đoạn đã được xác định trong Nghị quyết. Đồng thời cho rằng, trên cơ sở những kết quả triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW về phát triển Thủ đô trong giai đoạn vừa qua, đây là cơ hội để tiếp tục thay đổi tư duy phát triển cho sự phát triển của Hà Nội.

Để đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu, cần nhận diện được bối cảnh quốc tế, trong nước tác động tích cực và tiêu cực đến vấn đề này như thế nào. Đồng thời, phải nhận diện cho được lợi thế, bất lợi thế đối với phát triển của Hà Nội. Từ đó, để thấy Hà Nội tận dụng được những vấn đề đó như thế nào để tìm ra nguồn lực cho phát triển. 

PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. 
PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. 

“Mục tiêu GRDP mà Hà Nội đặt ra trong Nghị quyết 15-NQ/TW không quá cao. Trong khi khát vọng của Hà Nội là phải hội tụ của cả đất nước trong thời kỳ hiện đại. Hà Nội chính là nơi tập hợp nhiều nguồn lực nhất của cả nước. Do đó, để làm được, TP Hà Nội cần phải có chiến lược để khai thác hết tiềm lực vốn có cho phát triển” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Theo các chuyên gia, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết số 15 đề ra cần rất nhiều yếu tố, về quy hoạch, phát triển văn hóa, thu hút về nguồn nhân lực chất lượng cao…

Trong đó, về quy hoạch, KTS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập đến 2 quy hoạch triển khai song song đồng thời là Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội đã giao cho 2 đơn vị thực hiện Nghị quyết này, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội là đơn vị được giao tổ chức điều chỉnh chung quy hoạch. Quá trình thực hiện, Viện phối hợp với các cơ quan của TP để rà soát, đánh giá, nhận định, xem xét các yếu tố tác động để đưa vào nội dung đánh giá.

KTS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. 
KTS Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. 

Theo KTS Lưu Quang Huy, Hà Nội có một số thuận lợi như có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến, không đâu so sánh được; có số lượng di sản, công trình di sản vật thể lớn là nguồn lực liên quan đến phát triển kinh tế; Hà Nội có đặc trưng đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, thành khác không có. Điểm thuận lợi nữa là Hà Nội có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn, có quỹ đất lớn - là 1 trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Đây là thuận lợi nền tảng cơ bản để phát triển đô thị trong tương lai.

Phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô

Đi sâu vào vấn đề văn hóa, một nguồn lực to lớn cho sự phát triển của Hà Nội, TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng, văn hóa là tinh hoa của đạo đức. Chúng ta cần xây dựng văn hóa con người và tập trung tuyên truyền về 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất, hãy coi đó là 3 trụ cột của quốc gia để xây dựng văn hóa mới phát triển và thăng hoa được. Đó là, văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội, văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước, văn hóa công sở và đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia.

TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông phát biểu tại Tọa đàm. 
TS Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông phát biểu tại Tọa đàm. 

“Tôi cho rằng, văn hóa quyết định kinh tế, và trong tình hình hiện nay, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế. Nếu không có văn hóa lành mạnh sẽ không có kinh tế bền vững; bởi văn hóa, đạo đức xuống cấp thì mọi thành tựu về kinh tế, vật chất đạt được không còn nhiều ý nghĩa. Xây dựng trụ cột thứ 3 là văn hóa công sở, đạo đức công vụ phải đào tạo đội ngũ cán bộ hết sức vì dân, phải luôn luôn lấy lòng dân để làm thước đo cán bộ qua từng việc một. Nếu làm tốt 3 trụ cột này, Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát triển, đó là những điều dân mong nhất, cần nhất hiện nay” - TS Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Công nghiệp văn hóa được đánh giá chính là sức mạnh để phát triển kinh tế, đây cũng là vấn đề TP Hà Nội đang tập trung thực hiện. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, xây dựng, Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa là đang đi đúng với xu thế. Văn hóa là gắn với sáng tạo, hoạt động tinh thần trực tiếp. Nói đến văn hoá của Hà Nội thì từ lâu đã được coi di sản. Tuy nhiên, vấn đề đang được đặt ra là cách tiếp cận và khai thác văn hoá đó trong thời hiện đại như thế nào. Tài nguyên văn hóa của Hà Nội rất nhiều nhưng cần phải định hình lại để có hướng phát triển cụ thể.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. 
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. 

"Cần tận dụng di sản vốn có, phong phú để tạo ra sản phẩm văn hoá có chất lượng từ đó chuyển hoá thành công nghiệp văn hoá để tạo thu nhập và thu hút đầu tư để phát triển. Bên cạnh đó, phải có cơ chế, chính sách để kích thích tính sáng tạo của DN trong phát triển văn hoá"- PGS.TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hà Nội phải có một chiến lược phát triển văn hóa. Trong đó, khôi phục, tạo nên bản sắc, hấp dẫn văn hóa của Hà Nội. Bản sắc, sức hấp dẫn của Hà Nội là một tài sản. Cùng với đó, khai thác các di sản văn hóa như một phần của kinh tế nhất là cần quan tâm đến khai thác giá trị di sản Phố cổ Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Khu phố Pháp cổ, Văn hóa ẩm thực Hà Nội… Vì vậy phải có quy hoạch rất rõ để khôi phục, khai thác các di sản văn hóa.

Đi đầu trong chuyển đổi số để giải quyết những vấn đề 'nóng" của Thủ đô

Chuyển đổi số là một công việc trọng đại của quốc gia Việt Nam hiện nay và cũng là vấn đề được nhấn mạnh trong các giải pháp được đặt ra tại Nghị quyết 15. Nhà báo Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước, đương nhiên Hà Nội phải đi đầu cả nước về chuyển đổi số. Chuyển đổi số ở Hà Nội sẽ thực hiện theo 3 trụ cột: Kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Nhà báo Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu ý kiến tại Tọa đàm. 
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu ý kiến tại Tọa đàm. 

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua và có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà thể hiện rõ nhất là chính quyền số đã bước đầu tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điều này có thể ghi nhận cụ thể trong công tác cải cách hành chính ở một số quận, huyện, phường xã, được người dân đồng tình và đánh giá cao. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, việc xây dựng xã hội số, đặc biệt là kinh tế số chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên số.

“Tôi nghĩ trước hết phải xây dựng cơ chế, hệ thống chính sách để khích lệ công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc tham gia vào việc chuyển đổi số của các yếu tố Nhà nước, phải đặc biệt khuyến khích và huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Cần nhấn mạnh rằng, thành phần doanh nghiệp số sẽ quyết định sự thành công của công cuộc phát triển kinh tế số ở Thủ đô Hà Nội” – Nhà báo Hồ Quang Lợi nói.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm. 
TS Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm. 

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, Chương trình quốc gia về chuyển đổi số đã rất rõ về những mục tiêu về xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Đối với Hà Nội, quan trọng là phải xác lập ưu tiên đúng.

“Theo tôi, để tạo ra giá trị thiết thực, cần số hóa ngay để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của Hà Nội, trong đó có vấn đề giao thông. Xây dựng một hệ thống đô thị thông minh, giao thông thông minh áp dụng công nghệ số là rất quan trọng. Hà Nội cần đi đầu trong việc số hóa cần giải quyết những vấn đề có thật của Hà Nội và xử lý ngay"- TS Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Tạo cơ chế thông thoáng để trọng dụng người tài

Một trong những vấn đề được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh là cơ chế để thu hút người tài cho Hà Nội. Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, để xử lý các vấn đề của Hà Nội phải có người tài. Bên cạnh vấn đề lương bổng cho người tài, TP Hà Nội phải có mô hình thể chế cho người tài thử nghiệm, có không gian để họ phát huy tài năng trong khuôn khổ.

Đồng tình với ý kiến này, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, việc khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực trí tuệ trên phải là một việc cấp thiết. Hà Nội đang cần một nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Vấn đề ở đây là phải tạo dựng được một cơ chế, chính sách thông thoáng, không chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ, mà đặc biệt phải chú trọng hơn nữa việc tạo dựng một môi trường làm việc để những nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các tài năng có thể phát triển được. Quan trọng nhất là người tài phải được tin cậy. Hà Nội phải tiếp tục hoàn thiện đề án về thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là yếu tố có khả năng tạo ra những đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô” – Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.