Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ CA: Sau 1 năm thực hiện chỉ thị số 48, đến nay nhận thức của cán bộ, đảng viên và đại bộ phận nhân dân về trách nhiệm, quyền và lợi ích tham gia phòng, chống tội phạm có chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều mô hình, nhiều tấm gương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Lực lượng CA với vai trò nòng cốt đã triển khai nhiều kế hoạch phòng, chống tội phạm theo chuyên đề, tuyến, địa bàn trọng điểm. Khám phá các vụ án đạt tỉ lệ trên 73%, riêng trọng án trên 90%, triệt phá gần 4.000 băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp; quyết định truy tố gần 6 vạn vụ án... Chất lượng công tác truy tố xét xử được nâng cao, số vụ oan sai giảm. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ - đã chỉ ra tình trạng tội phạm hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, cần huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia chứ không chỉ riêng ngành CA. Theo Phó Thủ tướng, hiện công tác phòng, chống tội phạm vẫn còn một số hạn chế như sự chỉ đạo cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, còn nhiều sơ hở cho đối tượng xấu lợi dụng; công tác tuyên truyền giáo dục chưa tốt nên hiệu quả phòng ngừa còn thấp. Công tác dự báo tội phạm chậm, công tác phòng ngừa bị động, tỉ lệ điều tra, xử lý còn nhiều vấn đề bất cập... Trong giai đoạn 2011 - 2015, nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống tội phạm là chú trọng xây dựng mô hình thế trận an ninh nhân dân để giảm thiểu tội phạm. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ở đâu không làm tốt phòng, chống, để gia tăng tội phạm... thì bí thư, chủ tịch, trưởng CA phải chịu trách nhiệm.