Diễn đàn khoa học quan trọng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, từ tháng 7/2022, UBND TP chỉ đạo xây dựng Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô (Đề cương định hướng). Qua tổ chức tiếp thu các ý kiến góp ý và bổ sung hoàn thiện nhiều vòng đến ngày 27/4/2023, Đề cương định hướng (dự thảo lần thứ 10) đã báo cáo tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP và được thông qua.
Với mục đích nhằm tiếp thu trí tuệ, sáng tạo của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên, giảng viên, để hoàn thiện Đề cương định hướng, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo khoa học Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là diễn đàn khoa học quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TP Hà Nội góp ý vào Định hướng quy hoạch Thủ đô, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
“Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 29/9/2023 tại trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Dự kiến có sự tham dự của 350 đại biểu, trong đó có lãnh đạo các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, lãnh đạo TP Hà Nội, lãnh đạo nhiều trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, cùng đông đảo chuyên gia, nhà khoa học uy tín thuộc các lĩnh vực nghiên cứu” – ông Lê Ngọc Anh thông tin.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội thông tin thêm, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, góp ý cho Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 4 nguyên tắc lập quy hoạch; 4 tư tưởng triết lý; 5 nhóm quan điểm phát triển Thủ đô; 3 phương án kịch bản phát triển và mục tiêu phát triển Thủ đô; 3 khâu đột phá (về thể chế, về phát triển hạ tầng, về nhân lực); 2 vùng động lực phát triển Thủ đô (tại khu vực thành phố Bắc sông Hồng và khu vực thành phố phía Tây); các phương hướng phát triển ngành lĩnh vực; phương án và giải pháp thực hiện quy hoạch.
Tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lập quy hoạch
Tại Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII diễn hồi cuối tháng 4/2023, liên quan đến lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đánh giá cao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo triển khai thực hiện khá bài bản, công phu, bảo đảm các bước theo quy trình và quy định của Luật Quy hoạch.
Trong đó, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như tổ chức học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số cơ quan, địa phương. Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP tiếp tục chỉ đạo những đơn vị liên quan tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương theo quy định; đặc biệt là công khai, lấy ý kiến Nhân dân Thủ đô để vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ, vừa tạo sự thống nhất, đồng thuận chung.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội đang thực hiện đồng thời hàng loạt nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá và kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch, trong đó có việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là bản quy hoạch Thủ đô lần đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp với 17 lĩnh vực và 30 nội dung, nên lúc này càng cần tranh thủ khai thác, phát huy chất xám của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức trên địa bàn TP.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho hay, tại Hội thảo lần này 9 nhóm vấn đề cụ thể sẽ được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến gồm: Điều kiện phát triển của Thủ đô Hà Nội về tiềm năng lợi thế phát triển Thủ đô, văn hiến, văn hóa, nguồn lực; Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn, thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, quản lý và bảo vệ môi trường; Nguyên tắc triển khai lập quy hoạch;
Tư tưởng, triết lý phát triển Thủ đô; Quan điểm phát triển Thủ đô (quan điểm chung, quan điểm về tổ chức không gian, quan điểm về quốc phòng - an ninh, quan điểm về phát triển kết nối hạ tầng và đô thị, Quan điểm về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường); Mục tiêu phát triển Thủ đô; Xác định 3 khâu đột phá và 2 vùng động lực phát triển Thủ đô;
Phương hướng phát triển và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực (ngành dịch vụ; công nghiệp xây dựng; nông, lâm nghiệp, thủy sản; văn hóa; các lĩnh vực xã hội; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; quốc phòng an ninh); Các giải pháp quy hoạch (giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch, giải pháp về huy động vốn đầu tư, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển, giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn).
“Qua Hội thảo hy vọng sẽ tập hợp được nhiều ý kiến tư vấn quý báu để kịp thời bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050” – ông Lê Ngọc Anh bày tỏ.
Viện đã chủ trì, phối hợp và tham mưu UBND TP tổ chức gần 60 cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành về công tác lập quy hoạch… Nhất là trong tháng 7 - 8/2023, Viện phối hợp với Liên danh tư vấn tổ chức một loạt buổi hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia nhà khoa học về phương án phát triển của ngành, lĩnh vực, địa bàn để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh