Huy động vốn toàn tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 111.910 tỷ đồng trong 9 tháng

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến cuối tháng 9/2022, huy động vốn toàn tỉnh Khánh Hòa đạt 111.910 tỷ đồng, tăng 15,2%; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 41.102,6 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Chiều 19/10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2022. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Hà - Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 đạt 41.102,6 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước đạt 12.235,8 tỷ đồng, bằng 101,8% dự toán và tăng 22,9% cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.683,3 tỷ đồng, bằng 129,3% dự toán, tăng 110,6% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa đạt 9.552,5 tỷ đồng bằng 96,1% dự toán và tăng 10% so cùng kỳ năm trước.

Huy động vốn toàn tỉnh Khánh Hòa đạt hơn 111.910 tỷ đồng trong 9 tháng - Ảnh 1

Về chi cân đối ngân sách trong 9 tháng, Khánh Hòa đạt 8.127,7 tỷ đồng, bằng 76,5% kế hoạch, trong đó chi thường xuyên đạt 4.847,5 tỷ đồng, bằng 70,7% kế hoạch.

Cũng theo ông Hà, đến cuối tháng 9/2022, huy động vốn toàn tỉnh Khánh Hòa đạt 111.910 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ, dư nợ cho vay đạt 112.280 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Doanh số cho vay đạt 119.429 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 25,7%. Cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Ngoài ra, đến cuối tháng 7/2022, tỷ lệ nợ xấu của các chi nhánh tài chính tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 1,3%, trong ngưỡng an toàn.

Ông Nguyễn Thanh Hà cũng cho biết, tính đến hết quý III/2022, Khánh Hòa đã thu hút được 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 478,9 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021, thu hút được 18 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3.295 tỷ đồng).

Đồng thời, địa phương cũng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 1.588 doanh nghiệp, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký là 16.220,9 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 1.396, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều dự án đầu tư công đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trung Vũ.
Nhiều dự án đầu tư công đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Trung Vũ.

Hiện nay, Khánh Hòa đang tập trung nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các dự án có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Sửa chữa và nâng cao an toàn dập (WB8) Đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang; Môi trường bền vững các TP Duyên Hải - Tiểu dự án TP Nha Trang; Đường Tỉnh lộ 2 (ĐT.635), đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi; Đường Tỉnh lộ 3.

Cùng với đó là dự án Bệnh viện đa khoa Nha Trang; Bệnh viện Ung bướu; Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp; Đường giao thông từ QL1A đến Đầm Môn; Đầu tư cơ sở hạ tầng chống ngập lụt, xói lở Khu dân cư Mỹ Thanh, TP Cam Ranh; kè bờ hữu sông Cái và kè bờ sông Cái qua xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang...

Đồng thời, Khánh Hòa đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa.

Và các dự án như triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình cầu Xóm Bóng, thuộc dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn I) sử dụng vốn vay EDCF của Bộ Giao thông Vận tải.