Theo báo cáo của Huyện ủy Ba Vì, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của huyện đạt 80% diện tích, thu hoạch đạt 50%. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất hiệu quả như rau an toàn tại các xã Chu Minh, Minh Châu, Sơn Đà; mô hình trồng thanh long, nhãn muộn tại xã Phú Sơn; chè VietGAP tại Ba Trại; chăn nuôi gà đồi Cẩm Lĩnh…Cùng với đó huyện chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp. Đến 30/6/2017, toàn huyện Ba Vì có 115 HTX trong đó có 105 HTX nông nghiệp, 11 HTX phi nông nghiệp. 45 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
Về kết quả xây dựng NTM, tính đến 30/6/2017 toàn huyện có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã khác đạt và cơ bản đạt từ 9 – 13 tiêu chí. Năm 2017, huyện phấn đấu có 3 xã hoàn thành NTM là Phú Sơn, Thái Hòa và Ba Trại.Về nâng cao đời sống nông dân, huyện Ba Vì đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất. Cơ cấu cây trồng được thay đổi theo hướng tích cực, tỷ lệ giống lúa chất lượng cao tăng lên. Diện tích chè gống mới có năng suất, chất lượng cao tăng, năng suất đạt từ 3 – 3,5 tấn/ha, giá bán đạt 250.000 – 300.000 đồng/kg chè búp khô.Bên cạnh đó, huyện còn mở rộng sản xuất trong các cụm điểm công nghiệp, làng nghề, phát triển dịch vụ nông thôn. Trong đó đáng chú ý là tiếp tục chỉ đạo xây dựng 2 cụm công nghiệp Cam Thượng và Đồng Giai với sản phẩm chính là hàng may mặc công nghiệp, vật liệu xây dựng. Đồng thời tăng cường các hoạt động khuyến công, phát triển tiểu thủ công nghiệp tại 17 làng nghề, trong đó có 11 làng nghề chế biến chè khô.Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hà, huyện còn nhiều tiêu chí NTM đang gặp khó khăn. Cụ thể, tiêu chí giao thông còn 5 xã chưa đạt, thủy lợi còn 7 xã chưa đạt, trường học còn 11 xã chưa đạt, cơ sở văn hóa 9 xã chưa đạt, tầng thương mại nông thôn còn 10 xã, thu nhập bình quân đầu người còn 19 xã chưa đạt. Đặc biệt, Ba Vì có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất TP (7,18%) và hiện còn 16 xã chưa đạt tiêu chí này.
Cùng với đó, đầu tư hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp của DN và Nhân dân trên địa bàn huyện Ba Vì còn hạn chế. Việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn chậm, quy mô nhỏ lẻ phân tán, chưa tạo được vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn mang tính hàng hóa cung cấp cho thị trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở một số địa phương chưa được xử lý triệt để.Bên cạnh đó, theo bộ tiêu chí quốc gia xã NTM giai đoạn 2016 – 2020, kết quả thực hiện của các xã trên địa bàn huyện đạt được chưa cao, một số tiêu chí được đánh giá là đạt nhưng chưa bền vững. Nguồn lực đầu tư xây dựng NTM còn hạn chế, nhất là kinh phí của xã và nguồn huy động từ Nhân dân chưa nhiều trong khi công tác đấu giá đất gặp nhiều khó khăn. Ông Hà cho biết thêm, thời gian tới huyện sẽ tập trung triển khai các giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, việc kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình 02 tại huyện Ba Vì nhằm nắm bắt kết quả cũng như các tiêu chí, khâu yếu của huyện để tập trung các giải pháp tháo gỡ, nhất là thực hiện mục tiêu của Chương trình trong năm nay.Trước đó, đầu giờ sáng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã đi thăm nhà văn hóa thôn 7, Trường Tiểu học Ba Trại A và mô hình sản xuất chè tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì.