Huyện Chương Mỹ: Giống lúa “tím lịm” mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, người dân xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ bắt đầu gieo trồng giống lúa “tím lịm” (còn được gọi là lúa thảo dược), bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ lâu, thương hiệu gạo hữu cơ Đồng Phú đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên sắp tới đây, người tiêu dùng sẽ biết thêm một sản phẩm hấp dẫn nữa của địa phương này, đó là gạo từ cây lúa “tím lịm”, còn được gọi là lúa thảo dược.

Những ngày này, nếu ai có dịp về cánh đồng thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, ngoài việc được chiêm ngưỡng cánh đồng lúa chín vàng, chắc chắn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi cạnh đấy là những ruộng lúa chín “tím lịm”!

Lúa thảo dược được trồng tại cánh đồng thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ.
Lúa thảo dược được trồng tại cánh đồng thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ.

May mắn chúng tôi gặp được người cần tìm, đó là bà Lê Thị Hoà - Trưởng thôn Thượng Phúc, khi bà đang phơi thóc tím lịm này ngay sân nhà văn hóa. Biết ý định của chúng tôi, bà Hòa vui vẻ thông tin, vài vụ gần đây, người dân thôn Thượng Phúc bắt đầu làm quen và trồng thử nghiệm giống lúa thảo dược. Về quy trình canh tác, lúa thảo dược cũng không có gì khác biệt so với giống lúa thông thường, năng suất bình quân khoảng 140 – 150 kg/1 sào Bắc bộ.

Trưởng thôn Thượng Phúc Lê Thị Hòa đang phơi thóc thảo dược
Trưởng thôn Thượng Phúc Lê Thị Hòa đang phơi thóc thảo dược

Vẫn theo bà Hòa, với các loại thóc khác, mọi năm đơn vị thu mua thóc tươi ngay tại bờ ruộng với giá 9.000 đồng/kg, nhưng với thóc thảo dược là 11.000 đồng/kg. Nếu phơi khô (độ ẩm dưới 20%), giá thóc thảo dược là 15.000 đồng/kg. Chính sự chênh lệch về giá đã tạo nên sức hấp dẫn của cây lúa thảo dược với người nông dân.

“Năm nay, do đơn vị thu mua chưa kịp về thu gom nên chúng tôi phơi khô, đợi ít lâu họ sẽ về” - bà Hòa cho biết.

Sân thóc màu tím...
Sân thóc màu tím...

Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Phạm Văn Hải thông tin: Hiện toàn xã có 65ha thường xuyên canh tác lúa theo quy trình hữu cơ. Đến năm 2025, xã sẽ đưa diện tích lúa được canh tác theo hướng hữu cơ lên 100ha. Về dư địa, xã Đồng Phú vẫn còn khả năng mở rộng diện tích hơn nữa, tuy nhiên với cây lúa hữu cơ, không thể mở rộng một cách ồ ạt, vì liên qua đến thị trường đầu ra. “Với lúa thảo dược, hiện nay chúng tôi mới trồng thí điểm khoảng 5 mẫu…” - ông Hải cho biết tiếp. 

Nhiều người dân thôn Thượng Phúc đã "bén duyên" với cây lúa thảo dược.
Nhiều người dân thôn Thượng Phúc đã "bén duyên" với cây lúa thảo dược.

Một hộ dân thôn Thượng Phúc canh tác giống lúa thảo dược cho biết: “Ngay từ lúc gieo cấy, nhiều người đã đặt vấn đề mua thóc của chúng tôi vì hạt gạo từ thóc thảo dược có chất lượng tốt, là “người thật, việc thật”. Tuy nhiên chúng tôi phải tôn trọng cam kết với đơn vị đối tác đã ký hợp đồng thu mua. Nhưng kể cả khi vì bất kỳ nguyên nhân gì mà đối tác không thu mua nữa, thì loại thóc thảo dược cũng chả bao giờ lo ế”.

Được biết, hạt gạo từ cây lúa được trồng theo hướng hữu cơ đang được thị trường ưa chuộng, đặc biệt với gạo từ cây lúa thảo dược (dạng gạo lứt) hiện đang được những người ăn kiêng lựa chọn.