Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Chương Mỹ: khôi phục sản xuất sau ngập lụt, ưu tiên rau màu ngắn ngày

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hôm nay, 6/8, huyện Chương Mỹ chỉ còn 3 thôn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Để khôi phục sản xuất, theo chỉ đạo của UBND huyện, nước rút đến đâu, người dân ưu tiên trồng các loại rau màu ngắn ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức cho biết, trận lụt vừa rồi đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và hạ tầng của địa phương. Để kịp thời khắc phục khó khăn trước mắt cho các xã bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, ngày 30/7 UBND huyện đã tạm cấp kinh phí cho xã Nam Phương Tiến mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm cung cấp cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng, với số tiền là 810 triệu đồng. 

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức kiểm tra việc xử lý môi trường sau lũ ở xã Nam Phương Tiến.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức kiểm tra việc xử lý môi trường sau lũ ở xã Nam Phương Tiến.

Ngày 1/8, huyện tiếp tục cấp 337,8 triệu đồng cho Trung tâm Y tế mua thuốc, vật tư phòng, chống chống dịch bệnh và khắc phục xử lý bệnh trên địa bàn huyện sau mưa bão. Tiếp đó, ngày 3/8, huyện tạm cấp hỗ trợ xã Tân Tiến kinh phí mua lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm hỗ trợ tới các hộ dân bị ảnh hưởng, với số tiền 265,4 triệu đồng.

Từ 7h30 sáng 1/8, UBND các xã, thị trấn bị ngập đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường; với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh khử khuẩn đến đó để người dân sớm ổn định đời sống và tiếp tục phục hồi sản xuất”.

Đến 7h00 hôm nay, ngày 6/8, số nhân khẩu phải sơ tán cơ bản đã trở về nhà, vệ sinh nhà cửa. Toàn huyện đã huy động 220 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, gần 1000 dân quân, cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên và 12 phương tiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học để chuẩn bị đón năm học mới.

Hiện nay UBND huyện đang tiếp tục tập trung kiểm kê, xác minh thiệt hại và triển khai các hoạt động phục hồi đời sống người dân. 

Cánh đồng lúa ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ bị thiệt hại toàn bộ sau cơn lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8/2024.
Cánh đồng lúa ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ bị thiệt hại toàn bộ sau cơn lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8/2024.

"Về khôi phục sản xuất, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đến thời điểm này không còn phù hợp để tái vụ, vì vậy sau khi nước rút cạn, huyện sẽ ưu tiên trồng rau và cây vụ Đông sớm (như dưa chuột, cà chua, rau các loại), ở những ngôi đất cao. Đồng thời, động viên người dân tái đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi. Kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi"- ông Nguyễn Anh Đức cho biết. 

Đoàn thanh niên huyện Chương Mỹ giúp người dân xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường sau mưa lũ.
Đoàn thanh niên huyện Chương Mỹ giúp người dân xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường sau mưa lũ.

Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến Trần Thị Thu Hằng thông tin, toàn xã có 70ha lúa, 10ha rau màu các loại, 6ha cây ăn quả, 135ha thủy sản bị thiệt hại trong đợt ngập vừa rồi. Với diện tích rau màu, người dân có thể tái sản xuất (các giống cây vụ Đông ngắn ngày như dưa chuột, cà chua, bắp cải, su hào…) ngay khi nước rút cạn. 135ha nuôi trồng thủy sản cũng có thể tái sản xuất khi nước lũ rút hết.

"Với diện tích lúa (70ha), không thể tái vụ, chuyển sang trồng cây ngắn ngày cũng không ổn vì vùng này rất trũng; vì thế chúng tôi khuyến khích người tái đàn, chăn nuôi vịt thả đồng. Hiện tại người dân xã Nam Phương Tiến đang rất cần sự hỗ trợ về giống cây trồng và vật nuôi”- Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến cho biết thêm.