Huyện Chương Mỹ: Đầu năm học, nhiều thứ khó “bủa vây”!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị cho thấy; bước vào ngày học đầu tiên của năm học 2021-2022, thầy và trò trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã gặp không ít khó khăn như thiếu sách giáo khoa, thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại thông minh…), mạng viễn thông chập chờn…

Thiếu thiết bị, sách giáo khoa
Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú B (xã Trần Phú) Nguyễn Thị Thủy cho biết: Trường có 27 giáo viên, nhân viên và 506 học sinh, được chia làm 14 lớp, trong đó có 70 em là người dân tộc Mường. Khi dịch Covid -19 lần thứ nhất bùng phát, nhờ chương trình “Máy tính cho em” (do sở GD&ĐT Hà Nội phát động tháng 4/2020), 20 em có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ thiết bị học tập (máy tính, điện thoại cũ kèm sim 4G). Nhưng đến nay, số thiết bị này cũng hư hỏng, trục trặc, nên bước vào năm học 2021 -2022, vẫn có 10 em không có thiết bị học tập, nên phải  học “ké” bạn. 
 Trường Tiểu học B Trần Phú (xã Trần Phú), hiện đang thiếu sách giáo khoa và nhiều học sinh nghèo không có thiết bị điện tử để học tập...
Về sách giáo khoa (Toán, Tiếng Việt, sách trải nghiệm tập 1 của lớp 2), hiện trường Tiểu học Trần Phú B mới được cung ứng 30 bộ, cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để giải quyết tình huống này, các giáo viên phải chụp ảnh (các bài học trong sách giáo khoa), rồi gửi cho học sinh qua zalo để… chống cháy!. “Đây cũng là tình trạng chung của một số trường Tiểu học ở các xã như Trần Phú, Đồng Lạc, Mỹ Lương”- cô Nguyễn Thị Thủy cho biết. 
Thống kê số liệu của phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ, nhiều học sinh của các trường học trên địa bàn cũng thiếu thiết bị học tập. Ví dụ, tại trường Tiểu học xã Tiên Phương (trong tổng số 1594 học sinh, có 270 em không có thiết bị, 124 em gia đình không có mạng internet); trường Tiểu học xã Phú Nghĩa (tổng số 1346 học sinh, có 243 em thiếu thiết bị, 67 em gia đình không có mạng internet).
Ở bậc THCS, trong số 192 học sinh của trường THCS Nam Phương Tiến A, có 10 trường hợp không có thiết bị và mạng internet. Trường THCS Mỹ Lương 451 học sinh, thì 20 em không có cả thiết bị lẫn mạng viễn thông…
 Theo thống kê của Phòng GD&ĐT Chương Mỹ, trường THCS xã Quảng Bị là một trong những trường có nhiều học sinh đủ điều kiện học tập
 Theo thời khóa biểu, 7h30 sáng 6/9, toàn thể học sinh trên địa bàn huyện Chương Mỹ bắt đầu bước vào năm học mới theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên sau 9h, việc học của học sinh bắt đầu bị gián đoạn. Cao điểm là vào 10h30, mạng viễn thông của nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện bị nghẽn mạch. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, học sinh không thể vào mạng để tiếp cận bài giảng của thầy cô, do các thiết bị bị “đơ”, mạng bị “nát”; sự cố này kéo dài đến hết buổi học sáng.
Trông chờ vào hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho biết: Nghẽn mạng viễn thông sáng nay là tình trạng chung của nhiều trường trên địa bàn huyện. Nguyên nhân có thể do cùng lúc có quá nhiều người truy cập, đây là yếu tố khách quan, ngành giáo dục không thể giải quyết được. Còn về vấn đề thiếu sách giáo khoa, do dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nên việc cung ứng, vận chuyển sách đến các trường gặp nhiều khó khăn…
 Đầu năm học mới, ngoài sự phấn đấu của thầy cô, ngành giáo dục Chương Mỹ rất cần sự hỗ trợ từ cộng đồng để học sinh nghèo được tiếp cận với sự học (Ảnh minh họa)
"Bước đầu chúng tôi động viên giáo viên khắc phục bằng cách sử dụng bài giảng trên mạng, chụp ảnh (bài trên sách giáo khoa) rồi chia sẻ cho các em. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, khi dich bệnh được đẩy lùi, việc vận chuyển thuận tiện, vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để. Còn việc thiếu thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh, mạng internet), là vấn đề vượt quá tầm của ngành giáo dục. Hiện tại, chúng tôi đã và đang kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các bậc phụ huynh và chính quyền các địa phương hỗ trợ"- Trưởng phòng GD&ĐT Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho biết. Đồng thời chia sẻ: “Để học sinh nào cũng được tiếp cận với bài giảng, trước mắt chúng tôi chỉ biết động viên các gia đình có điều kiện cho con em những đối tượng khó khăn học chung, học ghép, học “ké” các bạn gần nhà…”.