Được biết, dự án DA cải tạo Quốc lộ 6 đã được trình cấp có thẩm quyền cách đây 10 năm, nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay DA vẫn chưa được triển khai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh và phát triển KTXH của huyện Chương Mỹ. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng, trong Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã gửi kiến nghị của cử tri huyện Chương Mỹ đến các bộ, ban ngành, nói lên ý kiến của gười dân về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của Quốc lộ 6 và sự an nguy của đê Tả Bùi – Hữu Đáy mỗi mùa mưa lũ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng làm việc với lãnh đạo huyện Chương Mỹ và lãnh đạo cơ quan báo chí |
Tiếp nhận kiến nghị từ Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, các Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT đã có thông tin phản hồi đến Đại biểu Quốc hội. Trong các ngày (10/11 và 21/21/2020), 2 Bộ đã có các văn bản gửi đến Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng. Theo đó, văn bản số 8492 của Bộ KH&ĐT nêu rõ: Quốc lộ 6 là tuyến giao thông liên kết vùng – nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc (điểm nút đầu là giao với Quốc lộ 21B đường Quang Trung, quận Hà Đông, điểm cuối giao với Quốc lộ 12, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên). Trước đây, Bộ GT&VT đã điều chuyển một số tuyến Quốc lộ trên địa bàn về cho TP Hà Nội quản lý. Nhưng trên cơ sở đề nghị của UBND TP Hà Nội, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công (năm 2020 và dự kiến năm 2021); trong đó có DA Quốc lộ 6 (thuộc danh mục các DA giao thông có tính chất kết nối), có tác động liên kết vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển KTXH. Do đó việc cải tạo “cổng phía tây” của Thủ đô sẽ được điểu chỉnh theo hướng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Cho đến nay Quốc lộ 6 mới có đoạn chạy qua thị trấn Chúc Sơn do UBND huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư được nâng cấp |
Vẫn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng, với DA cải tạo 2 tuyến đê Tả Bùi – Hữu Đáy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã có văn bản thống nhất với kiến nghị từ đại biểu Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng bộ NN&PTNT cho rằng, “trong trường hợp TP Hà Nội muốn cải tạo, nâng cấp các tuyến đê trên theo phương pháp làm kè thẳng đứng bằng bê tông cốt thép (như đại biểu nêu), thì Bộ NN&PTNT không phản đối. Tuy nhiên, TP Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tính toán cụ thể để lựa chọn phương án kỹ thuật phù hợp…”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đến nay 2 tuyến đê Tả Bùi – Hữu Đáy vẫn chỉ được cải tạo một cách chắp vá, do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là “vướng” quy định về thiết kế của Bộ NN&PTNT.
Hệ thống đê Tả Bùi - Hữu Đáy đã xuống cấp trầm trọng vẫn đang chờ cải tạo |
Như vậy, 2 vấn đề thuộc diện “nhức nhối” của Chương Mỹ trong một thời gian rất dài, đến nay cơ bản đã có phương án tháo gỡ vướng mắc. Theo ông Đinh Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, riêng với Quốc lộ 6, đến nay địa phương đã cơ bản cắm mốc ranh giới đường đỏ. Do đó, khi triển khai DA cải tạo con đường này, việc đền bù GPMB sẽ tương đối “nhàn”. Vẫn theo ông Hùng, đến nay Trung ương đã cấp cho TP 100 tỉ đồng để hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án cải tạo QL6, khi điều kiện về vốn cho phép, việc cải tạo hệ thống đê Tả Bùi – Hữu Đáy cũng đã có bài toán về đầu ra.