Huyện Chương Mỹ: Thiếu giáo viên – cần giải pháp căn cơ

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, năm học 2023 -2024, ngành giáo dục huyện Chương Mỹ thiếu khoảng 700 giáo viên của cả ba cấp học (Mầm non, Tiểu học và THCS).

“Chắp vá” để tháo gỡ 

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Phó phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Tạ Thị Thu Hương thông tin: Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học 2023 -2024, huyện Chương Mỹ đã chủ động tuyển dụng 284 chỉ tiêu hợp đồng. Trong đó giáo viên Tiểu học là 102 chỉ tiêu, Mầm non là 32 chỉ tiêu và THCS là 150 chỉ tiêu. Như vậy so với nhu cầu, ngành giáo dục Chương Mỹ vẫn còn thiếu hơn 300 giáo viên ở cả 3 cấp học. Những bộ môn thiếu giáo viên nhiều nhất là tin học, giáo dục thể chất.

Trường THCS Quảng Bị - nơi đang thiếu 4 giáo viên của các môn học
Trường THCS Quảng Bị - nơi đang thiếu 4 giáo viên của các môn học

“Đặc biệt là giáo viên tiếng Anh rất thiếu, không có nguồn để hợp đồng”- bà Hương thông tin thêm. Vẫn theo bà Hương, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên tiếng Anh khi năm học mới đã cận kề, ngành giáo dục Chương Mỹ cho phép các trường trên địa bàn chủ động hỗ trợ nhau, điều tiết giáo viên từ chỗ thiếu ít sang chỗ thiếu nhiều. Xã hội hóa với giáo viên môn tiếng Anh làm quen với học sinh lớp 1, lớp 2…

Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Bị Nguyễn Tiến Thung cho biết: Năm học 2023 -2024, nhà trường vẫn thiếu 4 giáo viên của các môn Tiếng Anh, âm nhạc, kỹ thuật nông nghiệp và tin học. Đặc biệt với môn tin học, năm học 2023 -2024 đã là năm thứ 3 Bộ GD&ĐT đưa môn này vào giảng dạy cho học sinh THCS, nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa được tuyển giáo viên cho bộ môn này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều trường THCS trên địa bàn đều chưa có giáo viên tin học. Để “lấp chỗ trống này”, các nhà trường đều phải điều giáo viên dạy toán, kiêm nhiệm dạy môn tin. 

Thanh niên tình nguyện huyện Chương Mỹ tiếp sức mùa thi 2022 -2023  (Ảnh tư liệu)
Thanh niên tình nguyện huyện Chương Mỹ tiếp sức mùa thi 2022 -2023  (Ảnh tư liệu)

Theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Hữu Văn Nguyễn Thị Dung, hiện sỹ số học sinh của nhà trường là 1113 em, với 25 lớp và 40 giáo viên. So với quy định, nhà trường còn thiếu 6 giáo viên (4 giáo viên dạy môn văn hóa và 2 giáo viên dạy môn chuyên biệt – tiếng Anh và giáo dục thể chất). Để đáp ứng nhu cầu của năm học mới, nhà trường cũng đã chủ động ký hợp đồng với 4 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên tiếng Anh. Vị trí còn thiếu của bộ môn giáo dục thể chất, nhà trường đang tạm điều giáo viên văn hóa đảm trách.

Giáo viên hợp đồng – nghề chưa hấp dẫn?

Một giáo viên từng dạy môn âm nhạc tại một trường THCS trên địa bàn huyện Chương Mỹ chia sẻ: “Khi còn làm giáo viên hợp đồng, mỗi tháng tôi được phân công dạy 60 tiết, (thù lao 60.000 đồng/tiết). Với mức thu nhập này, không thể duy trì cuộc sống cá nhân, chưa nói đến việc tôi còn phải nuôi con nhỏ.Vì vậy dù rất muốn gắn bó với nghề, nhưng cũng đành “dứt áo ra đi””.

Nói về vấn đề này, Hiệu trưởng trường THCS Quảng Bị Nguyễn Tiến Thung cho biết: Để đảm bảo việc dạy và học (với những bộ môn chưa có giáo viên chính thức), nhà trường hợp đồng và dùng nguồn chi thường xuyên để trả lương. Vậy nên muốn thu hút giáo viên cũng khó.

Trường Tiểu học xã Thượng Vực đang gấp rút hoàn thiện để đón năm học mới
Trường Tiểu học xã Thượng Vực đang gấp rút hoàn thiện để đón năm học mới

Một hiệu trưởng trường Tiểu học trên địa bàn huyện Chương Mỹ cho biết, với mức thù lao cho giáo viên hợp đồng như hiện nay, những người đang đeo đuổi sự nghiệp trồng người đều hy vọng họ sẽ được tuyển vào ngạch viên chức. Bằng không sẽ rất khó tuyển giáo viên hợp đồng, bởi lẽ đồng lương không đủ sống hoặc có tuyển được giáo viên đi chăng nữa thì cũng khó đòi hỏi chất lượng…