70 năm giải phóng Thủ đô

Huyện Chương Mỹ: tiếp tục rà soát, sơ tán ngay các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo lúc 15h30 chiều 11/9 của UBND huyện Chương Mỹ, đã xuất hiện mạch đùn, mạch sủi dài khoảng 100m tại đê bao Gò Khoăm, xã Mỹ Lương, khiến đoạn đê này có nguy cơ bị vỡ.

Mực nước sông Bùi (lúc 15h30, ngày 11/9) là 7,68, trên báo động 3 (7m), 3 hồ lớn trên địa bàn (Đồng Sương, Miễu, Vân Sơn), đều cao hơn ngưỡng tràn, do nước từ thượng nguồn không ngừng đổ về, và từ đêm qua đến chiều nay 11/9, mưa trên địa bàn huyện Chương Mỹ không ngớt, khiến nước sông Bùi lên rất nhanh.

Trao đổi với chúng tôi (qua điện thoại), Chủ tịch HĐND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh thông tin, hiện 4 thôn của xã là Hạnh Côn, Nam Hài, Nhân Lý, Hạnh Bồ đã ngập sâu trong nước. Tuy nhiên do đã có sự chuẩn bị từ trước nên người dân đã được di dời đến nơi an toàn, tài sản đã được kê kích, vật nuôi cũng đã được đưa lên nơi cao. 

Nước sông Bùi đã sát mép dưới dầm cầu Gốm - nối 2 xã Quảng Bị và Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ (ảnh chụp trưa 11/9).
Nước sông Bùi đã sát mép dưới dầm cầu Gốm - nối 2 xã Quảng Bị và Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ (ảnh chụp trưa 11/9).

Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ, đến thời điểm này có 6.090m đê bị ngập, 5m đê bị sạt lở, đường giao thông nông thôn bị ngập là 12.500, 28 thôn, làng bị ngập, 1.329 hộ, với 6.009 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu (qua điện thoại lúc 16h30 ngày 11/9) cho biết, tại xã Mỹ Lương, nước lên rất nhanh, lũ bắt đầu tràn đê, lực lượng chức năng của huyện, xã và quân đội vẫn đang gồng mình ngăn lũ…

Theo nhận định của Chủ tịch HĐND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh, lũ năm nay gần bằng trận lũ lịch sử năm1971 (ảnh người dân cung cấp).
Theo nhận định của Chủ tịch HĐND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Vĩnh, lũ năm nay gần bằng trận lũ lịch sử năm1971 (ảnh người dân cung cấp).

Hiện chính quyền huyện Chương Mỹ đang duy trì chế độ trực 24/24h tại Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện. Thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố liên tục được cập nhật, để nắm bắt, kịp thời chỉ đạo phòng chống lũ lụt. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn sẵn sàng ứng phó với lũ rừng ngang theo phương án được phê duyệt. Sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó nguy cơ tràn toàn bộ đê chính Hữu Bùi theo phương châm “4 tại chỗ” (kê kích tải sản, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, dự trữ lương thực thực phẩm, thuốc men…). 

Chưa thoát khỏi trận lũ từ cơn bão số 2 được mấy ngày, xã Nam Phương Tiến lại bị lũ từ cơn bão số 3 nhấn chìm (ảnh người dân cung cấp)
Chưa thoát khỏi trận lũ từ cơn bão số 2 được mấy ngày, xã Nam Phương Tiến lại bị lũ từ cơn bão số 3 nhấn chìm (ảnh người dân cung cấp)

Huyện Chương Mỹ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 11 xuồng máy, máy đẩy các loại, 4 bè cứu sinh, 115 nhà bạt, nhà dù các loại, 135 phao tròn cứu sinh, 815 áo cứu sinh... Xí nghiệp đầu tư Phát triển thủy lợi huyện thường xuyên kiểm tra 22 trạm bơm tiêu, đảm bảo vận hành 91 máy, điều tiết giảm nước 3 hồ (Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu).

Lãnh đạo huyện Chương Mỹ chỉ đạo chống lũ tại xã Mỹ Lương (ảnh chụp trưa 11/9)
Lãnh đạo huyện Chương Mỹ chỉ đạo chống lũ tại xã Mỹ Lương (ảnh chụp trưa 11/9)

Toàn huyện đã huy động 3.360 người, 25.900 bao tải,720m2 bạt, 5.251m3 đất đá và 97 phương tiện đắp chống tràn vào khu vực dân cư. Tổ chức sơ tán 532 hộ với 1.970 nhân khẩu, tiếp tục rà soát, tổ chức sơ tán ngay các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn. Vị trí sạt lở đất ở xã Tiên Phương đã được cắm biển cảnh báo nguy hiểm, tổ chức canh gác không cho người dân đi lại. Huy động lực lượng ứng trực 30 chiến sỹ, cùng lực lượng xung kích của xã và 1 xuồng máy để xử lý đê bao Gò Khoăm, chỉ đạo sơ tán các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng ở xã Mỹ Lương đến nơi an toàn.