Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đan Phượng có hơn 3.800 điểm kinh doanh thực hiện thanh toán điện tử

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/10, UBND huyện Đan Phượng tổ chức Hội nghị phát động tháng hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10) và tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về xây dựng thôn thông minh.

Thực hiện chuyển đổi số và xây dựng mô hình thôn thông minh, Huyện ủy Đan Phượng đã xây dựng Nghị quyết số 28-NQ/HU về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo. UBND huyện Đan Phượng xây dựng Kế hoạch số 216/KH-UBND về xây dựng mô hình thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thông minh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng phát biểu tại hội nghị.

Kết quả, từ tháng 9/2022 đến 9/2023, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng đã thành lập 16 Tổ công nghệ số cấp xã; 129 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố... Tại các thôn, xóm có 557 nhóm tự quản với 638 nhóm Zalo thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền tại cơ sở.

Trên địa bàn huyện cũng đã bước đầu tập hợp được 1.015 thành viên tham gia trực tiếp cùng Tổ công nghệ số cộng đồng để xây dựng 101 mô hình “Thôn thông minh”. Từng bước đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ đó tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống.

Người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua quét mã QR code.
Người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua quét mã QR code.

Các Tổ công nghệ số cộng đồng xã, thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ trưởng tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, phổ cấp kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng  phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...

Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng đã thành lập được 638 nhóm Zalo của tổ công nghệ số cộng đồng. 100% xã, thị trấn thành lập nhóm Zalo “Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính”. Trên địa bàn huyện Đan Phượng cũng đã xã hội hóa 230 triệu đồng lắp đặt 207 điểm truy cập wifi miễn phí để người dân truy cập, khai thác thông tin trên internet góp phần hình thành nơi sinh hoạt cộng đồng thông minh.

Các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, các tổ tự quản vận động xã hội hóa 5,3 tỷ đồng lắp đặt 23 bảng tin điện tử; trên 2.700 camera an ninh và hơn 1.800 đèn năng lượng mặt trời trên toàn bộ các ngã ba, ngã tư, trục đường giao thông, xóm, ngõ trên địa bàn toàn huyện.

Đoàn viên thanh niên huyện Đan Phượng hướng dẫn người dân cài đặt thanh toán điện tử trên điện thoại thông minh.
Đoàn viên thanh niên huyện Đan Phượng hướng dẫn người dân cài đặt thanh toán điện tử trên điện thoại thông minh.

Đáng chú ý, Huyện đoàn Đan Phượng, các Tổ công nghệ số cộng đồng của xã đã phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ như VNPT Hà Nội, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương lắp đặt và cung cấp các dịch vụ cho Nhân dân như hướng dẫn sử dụng tài khoản ngân hàng, dịch vụ ngân hàng điện tử, cài đặt thanh toán điện tử cho hộ gia đình ở thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 3.816 điểm kinh doanh thực hiện thanh toán điện tử; 1.223 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia các sàn giao dịch điện tử.

Nhằm phát huy hiệu quả Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, Phòng VH&TT huyện Đan Phượng đã hướng dẫn chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng khu dân cư, hướng dẫn người dân cài đặt các tài khoản số: công dân số, app thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn người dân đăng ký đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử giúp các sản phẩm nông nghiệp OCOP của địa phương đến với khách hàng ở mọi miền.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng, Chủ tịch HĐND huyện Lê Văn Thìn và Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phạm Thị Kim Oanh trao khen thưởng cho các Tổ công nghệ số cộng đồng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng, Chủ tịch HĐND huyện Lê Văn Thìn và Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phạm Thị Kim Oanh trao khen thưởng cho các Tổ công nghệ số cộng đồng.

Tại hội nghị, huyện Đan Phượng đã khen thưởng 16 Tổ công nghệ số cộng đồng và tặng mỗi Tổ 1 điện thoại thông minh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng đã phát động tháng hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10). Theo đó, huyện Đan Phượng đề nghị các xã tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động  “Tổ công nghệ số cộng đồng”; nâng cao chất lượng xây dựng “thôn thông minh”; triển khai thí điểm xây dựng mô hình “xã thông minh”.

Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình chuyển đổi số; đặc biệt là các nền tảng số tới 100% cán bộ, công chức, viên chức để hình thành các công chức số, thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn...