Huyện Đan Phượng: Học sinh tiểu học, lớp 6 dừng học trực tiếp từ 28/2

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 28/2, huyện Đan Phượng sẽ cho học sinh tiểu học và lớp 6 dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 tiếp tục triển khai học trực tiếp theo kế hoạch.

Tối 27/2, UBND huyện Đan Phượng đã có Công văn số 365/UBND-GDĐT về việc cho học sinh khối lớp 1 và lớp 6 học trực tuyến để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh trường Tiểu học Tân Lập B, huyện Đan Phượng trong buổi đầu đến trường học trực tiếp ngày 10/2. Ảnh: Hữu Thắng
Học sinh trường Tiểu học Tân Lập B, huyện Đan Phượng trong buổi đầu đến trường học trực tiếp ngày 10/2. Ảnh: Hữu Thắng

Theo đó, thực hiện Công văn số 570/UBND-KGVX ngày 27/2/2022 của UBND TP về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 quận, huyện, thị xã chuyển trạng thái dạy học trực tiếp tại trường sang hình thức dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 468/SGDĐT CTTT-KHCN ngày 27/2/2022 của Sở GD&ĐT về điều chỉnh hình thức dạy học tại các trường để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt. phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện chỉ đạo  chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến đối với các khối lớp từ 1 đến 6 thuộc các trường tiểu học, THCS trên địa bàn từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới.

Học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 của các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục triển khai học trực tiếp theo kế hoạch.

UBND huyện Đan Phượng giao Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tinh hình dịch bệnh Covid-19 trong các nhà trường; kịp thời chỉ đạo các trường tiểu học, THCS chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến đối với học sinh các khối lớp từ 1 đến 6.

Giao UBND các xã, thị trấn chuẩn bị lực lượng công an, y tế đề hỗ trợ các nhà trường trong công tác phòng chống dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường học trực tiếp; thực hiện đánh giá mức độ an toàn trường học khi có thông báo mới về việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

UBND huyện Đan Phượng yêu cầu Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thông bảo đến phụ huynh học sinh, học sinh về việc chuyển trạng thái tử học trực tiếp sang học trực tuyển; xây dựng kế hoạch dạy học, điều chỉnh nội dung dạy học trực tuyến cho học sinh các khối lớp từ 1 đến 6.

Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong nhà trường; theo dõi chặt chẽ tinh hình dịch bệnh của học sinh để kịp thời xử lý khi có tình huống bất thường xảy ra. Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi có chỉ đạo cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Chia sẻ với Kinh tế&Đô thị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, qua hơn hai tuần tổ chức cho học sinh tiểu học và lớp 6 trên địa bàn đi học trực tiếp trở lại, một bộ phận phụ huynh còn tâm lý lo lắng cho con khi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong khi dịch Covid-19 trên địa bàn TP diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng.

Tỷ lệ học sinh tiểu học trên địa bàn huyện Đan Phượng đến trường học trực tiếp những ngày qua chỉ đạt hơn 20%.
Tỷ lệ học sinh tiểu học trên địa bàn huyện Đan Phượng đến trường học trực tiếp những ngày qua chỉ đạt hơn 20%.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên nhiễm Covid-19, một bộ phận học sinh thuộc các đối tượng F0, F1 phải cách ly ở nhà nên các trường phải tổ chức dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. “Dù đã bố trí giáo viên F0 ở nhà dạy trực tuyến, số còn lại dạy trực tiếp nhưng nhiều trường không đủ giáo viên để dạy” – bà Bùi Thị Thu Hằng cho biết.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, tỷ lệ học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường học trực tiếp trong những ngày qua đạt thấp. Trong đó, cấp tiểu học chỉ đạt trên 20%, lớp 6 đạt trên 30%.

“Việc kết hợp dạy trực tiếp song song với trực tuyến không đạt hiệu quả cao do đường truyền kém, không ổn định, lại gây khó khăn cho cả giáo viên giảng dạy lẫn học sinh tiếp nhận. Nếu chỉ dạy trực tiếp hoặc trực tuyến thì chất lượng dạy và học sẽ tốt hơn. Do đó, Phòng GD&ĐT huyện đề xuất UBND huyện cho dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến để bảo đảm chất lượng giảng dạy cũng như đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh” – bà Hằng cho biết.

Trước đó, từ ngày 10/2, hơn 18.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn huyện Đan Phượng đã đến trường học trực tiếp, chia thành hai ca sáng - chiều, bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch. Qua đánh giá, các trường học trên địa bàn đã chủ động điều chỉnh nội dung; xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp thực tiễn tình hình dịch bệnh Covid-19. Đồng thời tổ chức tổng vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường, lớp trước khi học sinh trở lại trường; mua sắm bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và kích hoạt các phương án, quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.

Như Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, chiều 27/2, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 570/UBND- KGVX về việc cho học sinh các tiểu học, lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển trạng thái dạy và học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó nêu rõ, trong thời gian gần đây, tình dịch dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn TP tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng động cũng như trong các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 11 vẫn chưa tiêm vaccine phòng, chống Covid- 19 dẫn đến việc cha mẹ học sinh còn băn khoăn, lo lắng khi cho con đến trường. Thêm nữa, tỷ lệ đồng thuận của cha mẹ học sinh chưa cao trong việc cho con em học trực tiếp tại trường.

Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT trình TP phương án: Cho phép học sinh tiểu học, lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến từ 28/2/2022 cho đến khi có thông báo mới.

Sau khi xem xét Tờ trình trên, UBND TP thống nhất theo đề xuất của Sở GD&ĐT; đồng thời giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chủ động cập nhật về chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan; kịp thời hướng dẫn UBND các huyện, thị xã triển khai đúng quy định.

UBND TP cũng giao UBND các huyện, thị xã căn cứ diễn biến tình hình thực tế Covid- 19 tại địa phương, đề xuất của các cơ sở giáo dục và ý kiến cha mẹ học sinh, chủ động chuyển trạng thái hoạt động dạy và học linh hoạt (trực tiếp - trực tuyến) để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho giáo viên, học sinh, nhân viên nhà trường.