Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Huyện Đan Phượng: lắng nghe để thấu hiểu và “gỡ rối” cho học sinh

Kinhtedothi – Áp lực trước kỳ vọng đạt điểm cao của bố mẹ; lo lắng trí tuệ nhân tạo tác động tiêu cực tới việc học tập cũng như cuộc sống; lạm dụng sử dụng điện thoại, máy tính ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe… là những băn khoăn, trăn trở được các em học sinh huyện Đan Phượng bày tỏ tại diễn đàn “Điều em muốn nói”.

Giải tỏa áp lực cho học sinh

Chiều 16/4, Phòng G&ĐT huyện Đan Phượng tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” với sự tham gia của hàng trăm học sinh các trường THCS trên địa bàn. Diễn đàn không chỉ là sân chơi bổ ích, mà còn là nơi để các em học sinh được bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, nguyện vọng của mình về những vấn đề liên quan đến học tập, cuộc sống, gia đình và xã hội. Đây cũng là dịp để các em rèn luyện sự tự tin, chủ động, tích cực, đồng thời được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.

Diễn đàn thu hút hàng trăm học sinh THCS trên địa bàn huyện Đan Phượng tham gia.

Tại diễn đàn, học sinh THCS trên địa bàn huyện Đan Phượng đã bày tỏ nhiều băn khoăn trước các vấn đề gặp phải trong học tập cũng như cuộc sống. Học sinh Trường THCS Hồng Hà chia sẻ, bố mẹ luôn muốn con học giỏi và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. Tuy nhiên, điều đó khiến các em cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Vậy các em sẽ phải làm như thế nào trong trường hợp này?

Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Văn Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm kỹ năng sống văn hóa Việt đã có những lời khuyên bổ ích cho các em học sinh. Theo TS Nguyễn Văn Thanh, việc bố mẹ mong muốn con đạt điểm cao trong học tập cũng là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên còn phải tùy thuộc vào năng lực cũng như điều kiện thực tế của từng em học sinh, mỗi gia đình. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ gây áp lực, căng thẳng không chỉ riêng với trẻ mà còn cả không khí gia đình.

“Các em cần trò chuyện với bố mẹ về nguyện vọng, mong muốn, năng lực, sở trường cũng như mục tiêu, ước mơ của mình để bố mẹ thấu hiểu, đồng cảm và ủng hộ. Ngoài tự bày tỏ, các em có thể nhờ thầy cô giáo chủ nhiệm, cán bộ tư vấn học đường hay người thân trong gia đình nói chuyện thêm với bố mẹ, tuyệt đối không nên phản ứng gay gắt, tiêu cực” - TS Nguyễn Văn Thanh đưa ra lời khuyên.

TS Nguyễn Văn Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm kỹ năng sống văn hóa Việt chia sẻ cùng các em học sinh.

Chuyên gia cũng gợi ý học sinh cần có phương pháp học tập khoa học, chủ động như sử dụng bản đồ tư duy, công cụ AI để tăng hiệu quả học. Đồng thời ở lứa tuổi học sinh cần tích cực tham gia các câu lạc bộ ở trường, tập thể dục thể thao để giải tỏa căng thẳng cũng như trau dồi thêm các kỹ năng.

Cũng liên quan đến các hoạt động ngoại khóa, em Trâm Anh – học sinh Trường THCS Trung Châu nêu vấn đề: “Hiện nay, có một số bạn chỉ thích học văn hóa, ít tham gia các hoạt động khác. Vậy cần phải làm gì để khuyến khích học sinh ngoài việc học văn hóa còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động vì cộng đồng?”

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Đan Phượng Lê Hải Long chia sẻ, mỗi em học sinh cần quan tâm đến phát triển toàn diện. Ngoài học văn hóa, các em cần tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, hoạt động vì cộng đồng như: ủng hộ sách cho học sinh vùng khó khăn; vẽ tranh; tham gia dọn rác, bảo vệ môi trường hay tham gia các chuyến thiện nguyện… Những hoạt động này nếu được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội sẽ góp phần lan tỏa năng lượng tích cực cho học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung.

Học sinh đặt nhiều câu hỏi về những băn khoăn trong học tập cũng như cuộc sống.

“Ngoài tinh thần chủ động đề xuất của học sinh, các nhà trường cũng cần quan tâm tổ chức các sự kiện, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ… để học sinh tham gia, qua đó các em được rèn luyện, phát triển kỹ năng” - Phó Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng Lê Hải Long đề nghị.

Sử dụng công cụ AI như thế nào cho phù hợp?

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) lan tỏa rộng khắp trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, AI cũng là mối lo của nhiều người.

Tại diễn đàn, em Hương Giang, học sinh Trường THCS Tân Lập băn khoăn: “Trí tuệ nhân tạo AI giúp ích rất nhiều cho học tập và mọi việc. Tuy nhiên, việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo AI có thể gây ra những hậu quả gì đối với học sinh khi đang học tập dưới mái trường?”.

Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức trả lời câu hỏi của học sinh về sức khỏe học đường.

Chia sẻ những tâm tư này cùng học sinh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Nguyễn Quý Liễu cho biết, công nghệ số, AI giống như con dao hai lưỡi. Nếu các em lạm dụng AI sẽ dẫn đến tác hại là bị lệ thuộc, lười tư duy, trí tuệ bị mai một, khả năng sáng tạo giảm.

“Bên cạnh đó, nếu học sinh quá phụ thuộc vào công nghệ, mê chơi game, sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng quá nhiều sẽ dẫn đến tác hại là ngại tiếp xúc với bố mẹ, bạn bè và những người xung quanh. Thậm chí nhiều trường hợp còn rơi vào trầm cảm. Do đó, học sinh cần tuyệt đối tránh việc này” – ông Nguyễn Quý Liễu lưu ý.

Cũng đề cập đến vấn đề trên, em Nguyễn Gia Linh – học sinh Trường THCS Liên Hà bày tỏ: “Ở tuổi chúng em, nhiều bạn thích xem tivi, sử dụng điện thoại và ít vận động thì có ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến sức khỏe không? Mỗi ngày chúng em nên vận động bao nhiêu là đủ để cơ thể phát triển khỏe mạnh?”.

Trò chuyện cùng các em học sinh, Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức cảnh báo, nếu lạm dụng việc xem tivi, sử dụng điện thoại hàng ngày, các em có thể mắc các chứng bệnh về xương khớp do ngồi, nằm sai tư thế; bệnh về mắt, giảm thị lực; béo phì… Do đó, ông Hoàng Minh Đức khuyên các em học sinh không nên lạm dụng sử dụng điện thoại hay xem tivi, thay vào đó nên dành thời gian vận động, chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, phát triển toàn diện.

Diễn đàn "Điều em muốn nói" nhằm góp phần xây dựng môi trường sống, học tập an toàn, thân thiện cho học sinh.

Tại diễn đàn “Điều em muốn nói” nhiều vấn đề khác như bạo lực học đường; việc chấp hành luật giao thông trong học sinh… cũng được các em đề cập. Đại diện Phòng GD&ĐT, Phòng Y tế, Phòng Tư pháp, Huyện đoàn Đan Phượng cùng các chuyên gia đã trả lời và có những lời khuyên bổ ích cho học sinh.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Nguyễn Quý Liễu nhấn mạnh, diễn đàn “Điều em muốn nói” là một hoạt động ý nghĩa, nhằm tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền tham gia của trẻ em một trong những quyền cơ bản và thiết thực nhất.

“Chúng tôi mong rằng, thông qua diễn đàn này, sẽ có thêm nhiều tiếng nói trẻ thơ được lắng nghe, nhiều tâm tư, mong muốn của các em được thấu hiểu. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường sống, học tập an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em” – ông Nguyễn Quý Liễu nói.

Trong sáng mai (17/4), huyện Đan Phượng tiếp tục tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” dành cho học sinh tiểu học.

Huyện Đan Phượng tập huấn ứng dụng AI, nâng cao hiệu suất công việc

Huyện Đan Phượng tập huấn ứng dụng AI, nâng cao hiệu suất công việc

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm: thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm

Huyện Gia Lâm: thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm

18 Apr, 09:52 PM

Kinhtedothi - Chiều 18/4, UBND huyện Gia Lâm tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố".

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ