Sáng 14/9, Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phối hợp với Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội khai giảng lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát ca trù cho các hạt nhân văn nghệ của huyện Đan Phượng. Tham gia lớp bồi dưỡng có gần 50 học viên đến từ 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Say mê với nghệ thuật ca trù
Cơn mưa tầm tã kéo dài không ngăn được những bước chân háo hức của học viên dự lớp bồi dưỡng nghệ thuật ca trù huyện Đan Phượng, cả người trung niên lẫn các em thiếu nhi. Từ sớm, khá đông học viên đã có mặt tại hội trường UBND xã Thượng Mỗ để tham dự lớp học. Bên trong hội trường, Nghệ nhân Nhân dân ca trù Nguyễn Thị Tam trong bộ áo dài màu đỏ mận quý phái tất bật chuẩn bị phách, lời bài hát cho học viên.
Sau hai tiết mục trình diễn “Đào hồng, đào tuyết” và “Tắm mát trên dòng sông đào” do ca nương Mai Phương, ca nương Minh Thúy và nghệ nhân Nguyễn Thị Tam trình bày, lớp học chính thức bắt đầu. Trên sân khấu, các học viên trải chiếu ngồi xung quanh nghệ nhân Nguyễn Thị Tam. Gương mặt ai cũng ánh lên sự háo hức với môn nghệ thuật truyền thống này.
“Hôm nay tôi sẽ giới thiệu tới các chị em 3 làn điệu của ca trù là hát miễu, hát nói và khổ ca đàn (phách). Chúng ta phải nắm được khổ ca đàn rồi mới học hát” – nghệ nhân Nguyễn Thị Tam mở đầu bài giảng.
Thế rồi những câu khổ ca đàn “Tùng tang tếnh tùng. Tùng tung tếnh tùng tung tung. Tếnh tếnh tùng tung tung tùng…” vang lên hòa cùng nhịp gõ phách, nhấn nhá, mang âm hưởng đặc trưng ca trù càng làm học viên thêm hào hứng. Do là buổi học đầu tiên nên nghệ nhân Nguyễn Thị Tam giảng giải từng câu từ, nhịp phách, vần điệu để mỗi học viên nắm bắt được tinh thần của ca trù mà không cảm thấy nản vì khó. Học đến đâu, nghệ nhân hỏi lại học viên đến đó để nắm bắt được tinh thần cũng như sự tiếp thu của mỗi người.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Phạm Thị Thuyết, thôn Đại Thần, xã Đồng Tháp cho biết, bà đã quen hát chèo từ nhiều năm nay nên cảm thấy rất yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. “Tôi cũng thường xuyên nghe ca trù nên biết thông tin huyện mở lớp dạy ca trù, tôi đăng ký học ngay. Ban đầu, học khổ ca đàn và gõ phách, tôi thấy hơi khó nhưng tôi nghĩ rằng nếu mình học tập nghiêm túc, tìm hiểu về ca trù sẽ thấy được nét độc đáo của nghệ thuật này” – bà Thuyết chia sẻ.
“Ca nương nhí” Nguyễn Minh Phương, thôn Cổ Ngõa Hạ, xã Phương Đình đã theo học ca trù từ nghệ nhân Nguyễn Thị Tam được 5 năm nay, song cũng rất háo hức được tham gia lớp bồi dưỡng, vừa để trình diễn mẫu, vừa ôn luyện lời ca, ngón đàn, nhịp phách cho điêu luyện thêm.
“Tình cờ được xem bà Tam biểu diễn, em thấy yêu thích ca trù ngay nên xin bố mẹ đăng ký cho theo học. Ban đầu học ca trù rất khó nhưng càng học lại càng thấy hay. Giờ đây em có thể hát được hơn 10 điệu ca trù” – Minh Phương tâm sự.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Ca trù xuất hiện ở Thượng Mỗ đã hơn 400 năm. Trong suốt thời gian chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, khi cả đất nước dành ưu tiên hàng đầu cho đấu tranh giải phóng dân tộc, ca trù từng rơi vào trầm lắng hơn. Tới những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, ca trù mới được phục dựng lại và ngày càng có bước phát triển thăng hoa. Cùng với chèo tàu Tân Hội, hội diều Bá Giang, ca trù Thượng Mỗ là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian đặc sắc của huyện Đan Phượng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Nguyễn Quang Dũng, ca trù là loại hình nghệ thuật quý báu của cha ông để lại đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật và văn học. Song đã từng có một thời gian dài, ca trì bị lãng quên, thậm chí vắng bóng. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy nghệ thuật hát ca trù là việc cấp bách để ngăn chặn tình trạng mai một.
“Việc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Đan Phượng mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát ca trù cho các hạt nhân văn nghệ tại huyện Đan Phượng cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát ca trù” – ông Nguyễn Quang Dũng cho biết.
Phát biểu tại lễ khai mạc lớp bồi dưỡng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh cũng cho biết, hàng năm Sở VH&TT Hà Nội đều tổ chức các liên hoan nghệ thuật ca trù nhằm thổi hồn đam mê, động viên, khích lệ các nghệ nhân ca trù tham gia, bảo tồn phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc này. Đồng thời thông qua đó, các địa phương cũng nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò, vị trí và đề ra giải pháp bảo tồn ca trù.
Đánh giá cao hoạt động của câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ, chính quyền xã Thượng Mỗ nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung trong việc duy trì, phát huy giá trị ca trù, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh khẳng định, việc mở lớp bồi dưỡng hát ca trù với sự tham gia của đông đảo học viên ở nhiều lứa tuổi, trong đó có các em thiếu nhi thực sự đáng quý. Điều này cho thấy sức sống của ca trù trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay ngày càng mãnh liệt.
“Hy vọng rằng, thông qua lớp học, dù ngắn ngủi chỉ trong 5 ngày sẽ góp phần nhân lên niềm yêu thích, say mê với ca trù trong các học viên. Qua đó phát huy, bảo tồn giá trị độc đáo của ca trù Đan Phượng” – bà Lý Thị Thúy Hạnh bày tỏ.
Lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát ca trù cho các hạt nhân văn nghệ của huyện Đan Phượng kéo dài từ 14 – 18/9. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, bà sẵn sàng dạy tại nhà cho bất cứ ai yêu thích ca trù, muốn tìm hiểu, học về nghệ thuật truyền thống này. Qua đó nhân lên những hạt giống ca trù ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng, đưa ca trù đến với đông đảo người dân, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.
Trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam cho biết thêm, hiện nay Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ có tổng số 45 hội viên. Cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, Câu lạc bộ lại tổ chức các buổi đào tạo ca trù cho những em nhỏ địa phương. “Bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật ca trù không dễ dàng nhưng tôi tin rằng, ca trù sẽ từng bước đi vào đời sống đương đại và khẳng định được sức sống mãnh liệt” – nghệ nhân Nguyễn Thị Tam chia sẻ.