Huyện Đan Phượng: Nhiều vướng mắc trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đan Phượng là huyện ven đô có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Một buổi tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở tại huyện Đan Phượng.
Theo Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đan Phượng Nguyễn Khắc Thủy, việc kiện toàn tổ hòa giải được huyện thực hiện hàng năm. Năm 2018, trên địa bàn huyện có 132 tổ hòa giải với 902 hòa giải viên; trong đội ngũ hòa giải viên có nhiều người có trình độ chuyên môn luật, một số hòa giải viên có trình độ chuyên môn về nông nghiệp, kinh tế… Đội ngũ hòa giải viên được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hàng năm, qua đó kết quả hoạt động của các tổ hòa giải ngày càng cao. Trong 5 năm triển khai, thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện phát sinh 705 vụ việc, hòa giải thành 599 vụ việc, đạt tỷ lệ 85%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Khắc Thủy cho hay, việc triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Công tác hòa giải chưa thực sự đồng đều trong phạm vi toàn huyện. Các tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân ngày càng phức tạp và gia tăng; trong khi đó, một số hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải. Nhiều trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải chưa được phát hiện kịp thời. Về tổ chức hòa giải, trong những năm qua vẫn tồn tại hình thức hòa giải ở hai cấp là cấp xã và tổ hòa giải. Luật Hòa giải ở cơ sở chỉ điều chỉnh về tổ chức hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở dẫn đến khó khăn khi áp dụng pháp luật về hòa giải và sử dụng kết quả hòa giải.

Để công nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Khắc Thủy cũng đề xuất thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên. Nội dung tập huấn xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hòa giải ở địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với nội dung phong phú, đa dạng và sinh động.

Ngoài ra, lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Đan Phượng đề xuất, phải cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên nhằm tăng cường hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải. Cùng với đó, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến giáo dục pháp luật để chi cho các hoạt động hòa giải nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở địa phương.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm; tăng cường tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động; bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật…