Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đan Phượng phát hiện hơn 1.100 hành vi vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 15/10 – 11/11/2022, lực lượng công an huyện Đan Phượng đã tiến hành kiểm tra điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với 1.943 cơ sở. Qua đó, phát hiện 1.176 hành vi vi phạm.

Công an huyện Đan Phượng vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, Công an huyện Đan Phượng đã tham mưu UBND huyện Đan Phượng ban hành Văn bản số 1828/UBND-CA ngày 19/10/2022 về nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn.

Kiểm tra, hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Ảnh: Tuổi trẻ Công an Đan Phượng
Kiểm tra, hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Ảnh: Tuổi trẻ Công an Đan Phượng

Theo thống kê, hiện nay, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH trên địa huyện Đan Phượng là 3.754 cơ sở. Cụ thể, trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp là 24 cơ sở; trong khu dân cư 3.730 cơ sở. Về phân cấp quản lý, công an cấp huyện quản lý là 304 cơ sở, UBND cấp xã quản lý là 3.450 cơ sở.

Triển khai Kế hoạch 513/KH-BCA-C07, từ ngày 15/10 – 11/11/2022, lực lượng công an trên địa bàn huyện Đan Phượng đã tiến hành kiểm tra điều kiện PCCC và CNCH đối với 1.943 cơ sở, trong đó có 96 cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ. Kết quả kiểm tra, số hành vi vi phạm được phát hiện là 1.176, số hành vi vi phạm bị xử phạt là 250 hành vi. Công an huyện Đan Phượng đã ra 229 quyết định xử phạt với tổng số tiền 2.179.650.000 đồng. Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động 10 cơ sở, đình chỉ hoạt động 15 cơ sở không bảo đảm điều kiện PCCC và CNCH.

Công an huyện Đan Phượng hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy trong trường học. Ảnh: Tuổi trẻ Công an Đan Phượng.
Công an huyện Đan Phượng hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy trong trường học. Ảnh: Tuổi trẻ Công an Đan Phượng.

Báo cáo do Thượng tá Đặng Trung Kiên – Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng ký nêu rõ, khó khăn, vướng mắc hiện nay với địa phương trong quản lý PCCC là lực lượng công an xã mỏng. Việc triển khai Kế hoạch số 273/CAHN-PC07 ngày 13/10/2022 của Công an TP Hà Nội (60 ngày) trùng với đợt triển khai 90 ngày thực hiện Đề án 06 do vậy gây áp lực, tạo khó khăn không nhỏ tới công an cấp xã. Ngoài ra, lực lượng công an còn phải thực hiện đăng ký xe và các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn xã.

Thượng tá Đặng Trung Kiên cho biết thêm, việc nghiên cứu các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác PCCC của cán bộ, chiến sĩ công an cấp xã còn nhiều hạn chế. Việc xử lý các công trình đã đình chỉ hoạt động, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính và đăng công báo, chưa có tính chất răn đe nên một số cơ sở vẫn nên lút hoạt động.

Công an huyện Đan Phượng diễn tập kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Công an huyện Đan Phượng diễn tập kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.

Chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về PCCC còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chế tài cưỡng chế thực hiện các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định đình chỉ hoạt động còn nhiều vướng mắc liên quan đến các vấn đề dân sinh, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của DN, người dân, người lao động.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cấp, ngành còn mang tính hình thức, chưa thống nhất trong việc thực hiện thẩm định, thẩm duyệt, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng. Còn tình trạng buông lỏng công tác thanh tra, kiểm tra dẫn đến nhiều dự án, công trình phê duyệt, xây dựng nhưng thi công sai phép và không đảm bảo yêu cầu về PCCC.

Đáng chú ý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là tại cấp cơ sở chưa thực sự quan tâm, chú trọng. Nhiều nơi còn xem nhẹ công tác PCCC dẫn đến tình trạng sai phạm tiếp tục kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm.