Huyện Đan Phượng rốt ráo triển khai nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Huyện Đan Phượng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc huyện tập trung chỉ đạo, quán triệt, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện cài đặt và tạo tài khoản cá nhân trên ứng dụng iHaNoi cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hoàn thành trước ngày 25/7.

Cả hệ thống cùng vào cuộc

Thực hiện Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 5/7/2024 của UBND TP Hà Nội về tăng cường phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp qua nền tảng “Công dân Thủ đô số” – iHaNoi, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai quyết liệt, khẩn trương.

Cán bộ, công an xã Thọ An, huyện Đan Phượng hướng dẫn người dân cài đặt app trên điện thoại thông minh.
Cán bộ, công an xã Thọ An, huyện Đan Phượng hướng dẫn người dân cài đặt app trên điện thoại thông minh.

Trong đó huyện xác định việc cài đặt và tạo tài khoản cá nhân trên ứng dụng iHanoi là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Quá trình triển khai phải thực hiện bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức.

Triển khai kế hoạch của UBND huyện Đan Phượng, những ngày qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã vào cuộc tích cực. Tại xã Thọ An, UBND xã họp triển khai, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để đông đảo người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và cài đặt ứng dụng iHaNoi.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Văn Bắc cho biết, đến nay gần 100% cán bộ, công chức của xã đã hoàn thành cài đặt ứng dụng iHaNoi. “Qua bước đầu cài đặt, nhiều cán bộ, công chức xã phản ánh việc tìm kiếm các thông tin trên ứng dụng iHaNoi khá hữu ích như dịch vụ công, truyền thông, cảnh báo, phản ánh hiện trường, phản ánh thủ tục hành chính…” – ông Nguyễn Văn Bắc chia sẻ.

Toàn xã Thọ An có 12 cụm dân cư với hơn 2.600 hộ dân, trên 12.300 nhân khẩu. Xã đã thành lập được 1 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 12 Tổ công nghệ số cộng đồng cụm dân cư. Thực hiện xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, đến nay 100% cụm dân cư trong xã đã có nhóm Zalo kết nối tới các hộ gia đình. “Hiện 12 Tổ công nghệ số cộng đồng cụm dân cư đang tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng iHaNoi” - Chủ tịch UBND xã Thọ An Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm.

Đoàn viên thanh niên xã Đồng Tháp đến từng hộ dân hướng dẫn cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Đoàn viên thanh niên xã Đồng Tháp đến từng hộ dân hướng dẫn cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Tương tự, tại xã Đồng Tháp, UBND xã đã triển khai đến 100% cán bộ, viên chức về cài đặt ứng dụng iHanoi. Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tháp Ngô Xuân Hồng cho biết, xã sẽ mời 5 Tổ công nghệ số cộng đồng ở 5 cụm dân cư dự họp, triển khai kế hoạch và tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo người dân trên địa bàn để cài đặt ứng dụng. Qua đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia hoạt động tương tác trực tuyến với chính quyền các cấp qua nền tảng ứng dụng iHaNoi.

Thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp qua nền tảng “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”, nhằm minh bạch hóa để người dân, doanh nghiệp trực tiếp thụ hưởng những thành quả của Đề án 06 Chính phủ mang lại. Đồng thời tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền Thủ đô.

Huyện Đan Phượng phấn đấu là địa phương đi đầu trong phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; hướng tới góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại và giữ thứ hạng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của TP Hà Nội.

Huyện Đan Phượng đang rốt ráo triển khai nền tảng “Công dân Thủ đô số” – iHaNoi.
Huyện Đan Phượng đang rốt ráo triển khai nền tảng “Công dân Thủ đô số” – iHaNoi.

Triển khai kế hoạch này, huyện Đan Phượng yêu cầu các phòng, ban, ngành, cơ quan thuộc huyện tập trung chỉ đạo, quán triệt, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện cài đặt và tạo tài khoản cá nhân trên ứng dụng iHaNoi cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, hoàn thành trước ngày 25/7.

Thủ trưởng các phòng, ban, ngành, cơ quan thuộc huyện tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cảnh báo thường xuyên, đột xuất tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng theo thẩm quyền, lĩnh vực quản lý bảo đảm kịp thời, chính xác và bảo vệ quyền lợi, tạo sự đồng thuận của người dân Thủ đô qua tiện tích “Truyền thông, cảnh báo” trên ứng dụng iHaNoi.

“Các đơn vị cần coi iHaNoi là kênh tương tác số hội tụ, giúp thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng. Đồng thời, iHaNoi được xây dựng với mục tiêu sẽ là điểm truy cập để người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ do TP cung cấp trên môi trường số thông qua vai trò là một nền tảng để kết nối các dịch vụ và ứng dụng, kết nối giữa người dân với chính quyền” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng nhấn mạnh.

Theo đó, huyện Đan Phương giao UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các Tổ chuyển đổi số cộng đồng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an cơ sở, Đoàn Thanh niên triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng iHaNoi. Phấn đấu đạt mục tiêu 100% người dân trên địa bàn biết, cài đặt, tạo tài khoản cá nhân trên ứng dụng iHaNoi, bảo đảm hoàn thành xong trước ngày 30/8/2024.

Các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Đan Phượng tích cực vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ người dân.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Đan Phượng tích cực vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ người dân.

Việc rốt ráo triển khai nền tảng “Công dân Thủ đô số”- iHaNoi cho thấy quyết tâm của huyện Đan Phượng trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, Đan Phượng là địa phương được chọn thí điểm mô hình “Xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã” theo Kế hoạch 310/KH-UBND ngày 20/12/2023 của UBND TP Hà Nội về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình tại các cơ quan Nhà nước TP.

Đến nay, toàn huyện Đan Phượng thành lập được 16 Tổ công nghệ số xã, thị trấn; 129 Tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số hơn 1.000 thành viên; 100% thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đã hình thành mô hình thông minh.

 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện chỉ đạo của TP, hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, huyện Đan Phượng đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Điều đó đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải